Đà Nẵng cần ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội; Ninh Thuận thanh tra 52 ha đất ven biển; Thanh Hóa sắp có thêm cụm công nghiệp Cẩm Sơn gần 50ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Đà Nẵng cần ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội; Ninh Thuận thanh tra 52 ha đất ven biển; Thanh Hóa sắp có thêm cụm công nghiệp Cẩm Sơn gần 50ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Nghệ An: Chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, từ năm 2012 đến nay, các đoàn liên ngành do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành 674 lượt kiểm tra đối với 498 dự án. Trong đó đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý đối với 142 dự án; gia hạn tiến độ 199 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện 56 dự án; xử lý khác đối với 101 dự án. Lũy kế đến thời điểm hiện nay đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 225 dự án với tổng diện tích quy hoạch là 120.821ha.
Các dự án treo, dự án chậm tiến độ đã và đang gây lãng phí tài nguyên, gây nợ đọng về thuế. Đặc biệt, thực trạng trên còn gây bức xúc trong dư luận và làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nghệ An.
Được biết, hàng năm, các sở, ngành, địa phương đều thực hiện rà soát, báo cáo các dự án có dấu hiệu chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nợ đọng thuế để tổng hợp đưa vào kế hoạch kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có chương trình giám sát các dự án treo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm rõ thực trạng, nguyên nhân hạn chế, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các dự án treo.
Tuy nhiên, tình trạng các dự án treo, dự án chậm tiến độ hiện vẫn còn diễn ra; nhiều dự án có dấu hiệu chậm tiến độ nhưng chưa được kiểm tra, xử lý.
Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho hay: Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp: Nâng cao chất lượng thẩm định, tham mưu chủ trương đầu tư các dự án nhằm đảm bảo chấp thuận các dự án có tính khả thi, sử dụng đất có hiệu quả, nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý dự án sau cấp phép; các sở, ngành, địa phương thực hiện quy chế phối hợp quản lý dự án đầu tư. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc do nguyên nhân từ phía các ngành, các cấp và các chính sách văn bản pháp luật ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Đà Nẵng cần ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội
HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố tiếp thu, xem xét đề xuất ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội khi đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách rất hạn chế.
Trong phiên thảo luận chung Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng Khóa X ngày 13/7, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng có nhiều kiến nghị liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ông Tiến, từ năm 2005, Đà Nẵng thực hiện Chương trình “5 không”, “3 có” với 3 mục tiêu là có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị. Vì vậy, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội, hoàn thành 194 khối nhà với gần 14.000 căn hộ chung cư và 16 khối nhà với 1.874 phòng ký túc xá sinh viên…, giải quyết nhu cầu về nhà ở đáng kể cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Tiến cho biết, qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nhu cầu xin thuê, xin mua nhà ở xã hội rất lớn, nhất là các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, đến nay có gần 300 trường hợp hộ nghèo đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư và hằng năm có hơn 1.000 đơn xin thuê chung cư nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng.
Kể từ năm 2020 đến nay, việc đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách rất hạn chế, quỹ nhà ở xã hội còn lại rất ít, chỉ khoảng 65 căn nhà nhưng chỉ ưu tiên bố trí cho người có công với cách mạng.
Đề nghị giải pháp, ông Tiến cho rằng, đối với nhà ở xã hội do Nhà nước quản lý hiện có với số lượng khoảng 1.579 căn nhà, Thành phố sớm nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở để thu hồi ngân sách nhằm tái đầu tư nhà ở xã hội khác.
Hoặc giải quyết các thủ tục cho những đối tượng này được mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở xã hội do tư nhân đầu tư sắp hoàn thành trong năm 2023.
Về vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố tiếp thu ý kiến, xem xét đề xuất của đại biểu Nguyễn Thành Tiến.
Ông Triết nhấn mạnh, UBND thành phố cần tiếp tục rà soát quy hoạch và có quỹ đất ưu tiên cho nhà ở xã hội. Trong đó, cần cân đối bố trí nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư nhà ở xã hội trong những năm tiếp theo.
Ninh Thuận thanh tra 52 ha đất ven biển
Ninh Thuận thành lập đoàn thanh tra kiểm tra những vi phạm liên quan đến đất đai tại huyện Thuận Nam và Ninh Phước.
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra gồm 17 thành viên, do ông Trần Minh Cảnh, Phó Chánh thanh tra tỉnh làm Trưởng đoàn. Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc kể từ ngày 2/7/2022.
Theo đó, nội dung thanh tra là việc quản lý và sử dụng đất dọc hai bên tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Thuận Nam; khu vực 52 ha thuộc địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Cụ thể, đoàn thanh tra được giao nhiệm vụ thanh tra việc lấn chiếm, mua bán, sang nhượng, tách thửa, phân lô bán đất nền trái phép; sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng nhà ở, công trình trái phép dọc hai bên tuyến đường ven biển đoạn qua huyện Thuận Nam (bao gồm khu vực Bãi Đá Trứng xã Phước Dinh) và khu vực 52 ha thuộc địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Thời kỳ thanh tra nội dung trên từ năm 2002 đến ngày tháng 7/2022. Trong trường hợp cần thiết, đoàn thanh tra có quyền thanh tra trước thời điểm nêu trên.
Thanh Hóa sắp có thêm cụm công nghiệp Cẩm Sơn gần 50ha
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Cẩm Sơn tại thị trấn Phong Sơn và xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thuỷ.
Theo đó, Diện tích cụm công nghiệp khoảng 49,88ha với phía Đông giáp đất sản xuất lâm nghiệp; phía Tây giáp hành lang đường Quy hoạch tránh thị trấn Phong Sơn (đường hầm quy hoạch nắn đường Hồ Chí Minh); phía Nam giáp đất sản xuất lâm nghiệp; phía Bắc giáp đường liên xã (đường tránh lũ từ thị trấn đi xã Cẩm Yên).
Ngành nghề hoạt động tại cụm công nghiệp gồm: sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất, chế biến gỗ; công nghiệp dệt may, giày da; chế biến nông lâm, thức ăn gia súc, gia cầm; chế biến thực phẩm; sản xuất năng lực; ngành nghề dịch vụ, kho bãi và các ngành nghề khác có liên quan. Các ngành nghề thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp phải đảm bảo quy định về môi trường.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Đầu tư Cụm công nghiệp APG. Tổng mức đầu tư tạm tính 250 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý 2/2022 - quý 3/2023 hoàn thành các thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất với nhà nước; Từ quý 4/2023 - quý 4/2024 khởi công và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cẩm Sơn; Từ quý 1/2025 hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có quyết định thành lập hai cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 66ha. Đó là Cụm công nghiệp Khe Hạ tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân với diện tích 49,2ha, tổng mức đầu tư dự tính là 360 tỉ đồng và Cụm công nghiệp Hậu Hiền tại xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hoá với diện tích khoảng 17,55ha, tổng mức đầu tư tạm tính là 125 tỉ đồng.
Huy Tùng (t/h)/Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-147-nghe-an-cham-dut-hoat-dong-thu-hoi-dat-doi-voi-225-du-an-659950.html