Hà Nội sẽ có 2-5 khu công nghiệp mới trong 5 năm tới
Hà Nội sẽ có 2-5 khu công nghiệp mới trong 5 năm tới
Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, thành phố xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp (KCN) mới trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể: KCN Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.
Việc thành lập các KCN này nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH của thành phố trong thời gian tới.
Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, đến tháng 12/2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút gần 165 nghìn người lao động (trong đó, lao động nước ngoài là 1.100 người), bình quân 1ha đất đã tạo việc làm cho hơn 160 lao động. Các doanh nghiệp trong KCN đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 10 KCN đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%.
Tính đến đầu tháng 12.2021, các KCN của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó, có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.
Thanh Hóa đồng ý thực hiện cụm công nghiệp Vĩnh Hòa gần 35ha
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định 142/QĐ-UBND việc chấp thuận cho phép thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vĩnh Hoà tại xã Vĩnh Hòa và cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, huyện Vĩnh Lộc. Tổng nhu cầu sử dụng đất là 34,99 ha.
Trước đó, tháng 7/2021, tỉnh Thanh Hóa cũng ra quyết định thành lập Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa.
Phạm vi của khu đất được xác định một phần các tờ bản đồ địa chính số số 04 và số 05 xã Vĩnh Hòa tỷ lệ 1/2.000 đo vẽ năm 2003.
Ranh giới của cụm công nghiệp như sau: Phía bắc giáp đất ruộng và đất rừng sản xuất; phía nam giáp khu dân cư và đất ruộng; phía đông giáp đường giao thông liên xã và một phần đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư; phía tây giáp đất sản xuất nông nghiệp.
Ngành nghề hoạt động chính gồm sản xuất hàng may mặc, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, điện, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, chế biến dược liệu, chế biến lâm sản, sản phẩm nhựa, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm,...
Tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng 160 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 25%, tương đương 40 tỷ đồng, 120 tỷ đồng còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác.
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án là CTCP Hạ tầng Việt Nga.
Về tiến độ, từ quý II/2021 đến quý I/2022 sẽ hoàn thiện công tác điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ quý II/2022 đến quý IV/2022 là giai đoạn khởi công và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến Cụm công nghiệp Vĩnh Hòa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý I/2023.
Lâm Đồng: Nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tăng gấp 2, 3 lần so với giá khởi điểm
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian qua, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cuộc đấu giá thu hút được nhiều người tham gia đấu giá đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh, một số tài sản giá đấu giá tăng gấp 2, 3 lần so với giá khởi điểm. Đơn cử như đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt; huyện Đam Rông; huyện Di Linh.
Việc đấu giá tăng so với giá khởi điểm chủ yếu tập trung vào tài sản là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước. Tài sản này có giấy tờ pháp lý rõ ràng, việc bàn giao tài sản nhanh, cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư đồng bộ.
Trong khi đó, đối với tài sản quyền sử dụng đất khác như của cơ quan thi hành án dân sự, các tổ chức tín dụng thường tăng không đáng kể so với giá khởi điểm.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nhận định, nhìn chung việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn ra bình thường, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường công tác kiểm tra đối với các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (nếu có).
Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất; đảm bảo công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đúng pháp luật, công khai, minh bạch.
Theo Huy Tùng (T/H)/ Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-1212022-ha-noi-se-co-2-5-khu-cong-nghiep-moi-trong-5-nam-toi-638801.html