Chưa đủ cơ sở để Sun Group làm dự án Khu phức hợp Nam hồ Tà Đùng; TP HCM 5 năm, chỉ hoàn thành được 1 dự án nhà ở cho công nhân; Dự án Khu dân cư Tịnh Phong hai lần gia hạn, xây dựng được 30%... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Chưa đủ cơ sở để Sun Group làm dự án Khu phức hợp Nam hồ Tà Đùng; TP HCM 5 năm, chỉ hoàn thành được 1 dự án nhà ở cho công nhân; Dự án Khu dân cư Tịnh Phong hai lần gia hạn, xây dựng được 30%... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bình Dương tăng tốc san lấp bàn giao mặt bằng dự án tỉ USD cho Tập đoàn Lego
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng đại diện Tập đoàn Lego vừa có buổi kiểm tra tiến độ triển khai khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III. Trong đó, có dự án nhà máy quy mô 44ha, vốn đầu tư 1 tỉ USD của tập đoàn Lego.
Theo báo cáo của đại diện Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore, đơn vị đang tăng tốc thi công san lấp mặt bằng khu công nghiệp, trong đó có phần diện tích dự kiến bàn giao cho tập đoàn Lego.
Hiện các đơn vị đã san lấp trên 10ha (trong tổng số 44ha dự kiến giao cho Lego) đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật của Tập đoàn Lego. Dự kiến, đến ngày 31/8 sẽ hoàn thành và bàn giao 22ha, đến 30/9 sẽ hoàn thành và bàn giao 44ha cho Tập đoàn Lego.
Trước đó, vào tháng 5/2022, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, đại diện Tập đoàn Lego cho biết, dự án nhà máy có quy mô 44ha dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm.
Đây sẽ là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ 2 ở châu Á với kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của Lego, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiên dùng ở mỗi khu vực.
Được biết, Tập đoàn Lego được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen. Hệ thống trò chơi của Lego, với nền tảng là những viên gạch Lego, cho phép trẻ em và người hâm mộ thiết kế và xây dựng bất kỳ những gì mà họ có thể tưởng tượng. Sản phẩm của Lego hiện được bán tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới.
Lâm Đồng: Chưa đủ cơ sở để Sun Group làm dự án Khu phức hợp Nam hồ Tà Đùng
Theo công văn số 1688/KHĐT-THQH gửi Công ty cổ phần tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Di Linh thì văn bản đề nghị nghiên cứu, đóng góp ý tưởng quy hoạch Khu phức hợp Nam Hồ Tà Đùng tại huyện Di Linh, Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời không cung cấp vị trí, ranh giới, phạm vi diện tích, ý tưởng lập quy hoạch. Do đó, chưa có cơ sở để đối chiếu, rà soát theo đề nghị của Công ty.
Để có cơ sở báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) nghiên cứu, chủ động phối hợp với UBND huyện Di Linh, huyện Bảo Lâm để xác định cụ thể phạm vi, ranh giới và ý tưởng lập quy hoạch, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của địa phương cũng như tỉnh Lâm Đồng.
Bên cạnh đó phạm vi, ranh giới lập quy hoạch phải đảm bảo không trùng lấn với các khu vực, dự án, đồ án quy hoạch khác đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương.
Trước đó, tại Công văn số 983 /SXD-QHKT, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) đề nghị nghiên cứu, đóng góp ý tưởng quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư Khu phức hợp Nam hồ Tà Đùng tại huyện Di Linh và huyện Bảo Lâm có tổng diện tích khoảng 60.500 ha.
Qua kiểm tra, rà soát thì khu vực Công ty đề xuất có một phần phạm vi, ranh giới trùng lắp với khu vực UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova nghiên cứu, khảo sát và tài trợ kinh phí lập ý tưởng quy hoạch tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
Do đó, việc đề xuất nghiên cứu, đóng góp ý tưởng quy hoạch theo đề xuất của Công ty tại huyện Di Linh và huyện Bảo Lâm cần rà soát, điều chỉnh phạm vi, diện tích để tránh trùng lắp phạm vi, ranh giới với khu vực đã được UBND tỉnh chấp thuận.
Hay tại Công văn số 1016 /UBND-XD, UBND huyện Di Linh cho rằng, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời đề nghị nghiên cứu ý tưởng quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư theo Văn bản số 112/2022/CV-SHD ngày 19/4/2022 không nêu rõ quy mô, ranh giới, vị trí dự án, ý tưởng quy hoạch nên chưa có cơ sở để đối chiếu với mục tiêu nghiên cứu lập quy hoạch của địa phương.
Cũng theo UBND huyện Di Linh, đề xuất của Công ty không nêu rõ vị trí, diện tích, ranh giới lập quy hoạch nên không đối chiếu được có sự chồng lấn với đồ án quy hoạch hoặc dự án khác.
TP HCM: 5 năm, chỉ hoàn thành được 1 dự án nhà ở cho công nhân
Ngày 9/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức buổi giám sát tình hình thực hiện Luật Nhà ở trên địa bàn thành phố giai đoạn 1/1/2016 đến 31/12/2021 đối với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn 2016-2021, các chỉ tiêu về nhà ở đều đạt như diện tích nhà ở bình quân đầu người; diện tích nhà ở tăng thêm; nhà thương mại, nhà riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình.
Riêng chỉ tiêu về nhà ở xã hội là không đạt, chỉ mới thực hiện được hơn 69%. Riêng năm 2021 không phát triển thêm được diện tích nhà ở xã hội.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,67 ha, hơn 1 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ.
Trong đó 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô 366 căn, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 13.870 căn, 1 dự án vừa sử dụng ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 718 căn.
"Trong giai đoạn này vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 4%, vốn doanh nghiệp chiếm 96%"- ông Huỳnh Thanh Khiết thông tin.
Cũng trong giai đoạn trên, thành phố đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một dự án nhà lưu trú công nhân với tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân.
Tại buổi giám sát, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề vì sao TP HCM gặp khó khăn trong xây dựng nhà lưu trú, nhà trọ cho công nhân, người lao động thuê.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, đã đặt nhiều vấn đề đến Sở Xây dựng xung quanh nhà lưu trú cho công nhân.
"TP HCM có xác định chỉ tiêu liên quan đến nhà lưu trú cho công nhân không? Các quy định hiện hành có ảnh hưởng gì đến việc triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân? Vì sao thành phố khó triển khai được nhiều dự án cho nhà lưu trú công nhân, do TP HCM hay do quy định pháp luật?" - bà Văn Thị Bạch Tuyết đặt vấn đề.
Quảng Ngãi: Dự án Khu dân cư Tịnh Phong hai lần gia hạn, xây dựng được 30%
Dự án khu Thương mại dịch vụ và dân cư Tịnh Phong do Ban quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng - Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tịnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng.
Dự án có tổng diện tích gần 5 ha với nhiều hạng mục như: san nền theo lô với diện tích gần 32.000 m2. Khu chợ có 4 nhà ki ốt và 60 quầy, đường giao thông và nhiều hạng mục khác.
Dự án Khu thương mại-dịch vụ và dân cư Tịnh Phong có thời gian thực hiện từ 2017-2019, trên phần diện tích gần 5 ha, bao gồm các hạng mục chính san nền, xây dựng khu chợ (4 kiốt, nhà lồng với 60 quầy), đường giao thông, hệ thống thoát nước thải, hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, bể xử lý nước thải, bể nước phòng cháy chữa cháy...
Được biết, dự án khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, tạo diện mạo cho huyện, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển quỹ đất và đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo thêm nguồn lực để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư chỉ mới giải phóng mặt bằng được hơn 3ha đất nông nghiệp, khối lượng xây lắp chỉ đạt 30%. Công trình phải hai lần gia hạn vào năm 2019 và 2021, và buộc phải hoàn thành vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục trong khuôn viên dự án như ki ốt xây dựng dang dở rồi bỏ, cống hộp ngổn ngang.
Theo ông Huỳnh Thanh Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Phong cho biết, dự án chậm tiến độ, nảy sinh nhiều hệ lụy, nên địa phương đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, để tiểu thương thuê có nơi buôn bán, vì hiện nay nhiều hộ dân phải buôn bán dọc QL 1A, không đảm bảo an toàn giao thông. Đến hiện tại, nhiều hạn mục tại công trình đã xuống cấp Chủ đầu tư cần quyết liệt hơn trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, để có đất sạch thi công.
Huy Tùng (t/h)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-108-binh-duong-tang-toc-san-lap-ban-giao-mat-bang-du-an-ti-do-cho-tap-doan-lego-662378.html?fbclid=IwAR2lmjY2lrNmjkEqU4zW3FpwAbs7sH8m7ns-VVVLkg8d6RuxkCvjBVy6ynQ