Thành Nam Group muốn chuyển nhượng thửa đất số 19, lô A1.1, diện tích 2.039 m2 tại đường Hoàng Sa, TP Đà Nẵng với giá trị giao dịch không dưới 305,8 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đồng/m2.
Thành Nam Group muốn chuyển nhượng thửa đất số 19, lô A1.1, diện tích 2.039 m2 tại đường Hoàng Sa, TP Đà Nẵng với giá trị giao dịch không dưới 305,8 tỷ đồng, tương đương 150 triệu đồng/m2.
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Thành Nam (Thành Nam Group, mã CK: TNI) vừa thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng thửa đất số 19, lô A1.1, diện tích 2.039 m2 tại đường Hoàng Sa, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng với giá trị giao dịch không dưới 305,8 tỷ đồng (tương đương 150 triệu đồng/m2).
Đây là khu đất ở tại đô thị với thời hạn sử dụng lâu dài, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. HĐQT công ty chỉ định và ủy quyền cho ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch HĐQT trực tiếp ký kết các hồ sơ, hợp đồng, tài liệu liên quan đến đặt cọc, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên và các thủ tục khác liên quan.
Theo Nghị quyết ngày 29/4/2022, Thành Nam Group đang thực hiện dự án Tổ hợp căn hộ để bán kết hợp trung tâm thương mại trên thửa đất nói trên. Dự án đang trong quá trình hình thành, triển khai, xin cấp phép và phê duyệt.
Tại Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Thành Nam Group cũng có đề cập đến khu đất này. Theo đó, khu đất đang được đảm bảo thế chấp cho các khoản vay của công ty Thành Nam tại Ngân hàng BIDV. Giá trị bất động sản đầu tư tại thời điểm định giá (6/2/2020) là hơn 167 tỷ đồng. Còn nguyên giá ghi nhận tại ngày 30/6/2022 là gần 153 tỷ đồng.
Về Tập đoàn Thành Nam, doanh nghiệp được thành lập vào ngày 15/7/2004 với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng, hiện tại đã tăng lên 525 tỷ đồng.
Theo các thông tin giới thiệu trên website doanh nghiệp, Thành Nam Group hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp inox dạng tấm, cuộn, ống. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực bất động sản, đầu tư khu du lịch, khách sạn, nông sản,… với các dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn và căn hộ cao cấp tại Đà Nẵng và dự án khách sạn Vườn Đào (Hạ Long, Quảng Ninh). Mảng bất động sản của doanh nghiệp cũng được xác định tập trung ở Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Yên,...
Về kết quả kinh doanh, ở giai đoạn trước, từ 2014 - 2021, trừ hai năm 2014 và 2016, doanh thu của Thành Nam đều đạt trên nghìn tỷ đồng mỗi năm, đỉnh điểm năm 2021 doanh thu đạt trên 1.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về từ năm 2015 trở đi đều dưới 20 tỷ đồng/năm. Năm 2020, công ty chỉ lãi sau thuế 112 triệu đồng và năm 2021 lỗ 16 tỷ đồng.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Thành Nam Group là 699 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ, hoàn toàn đến từ việc bán thép. Lợi nhuận sau thuế đạt 775,9 triệu đồng, trong khi cùng kỳ công ty báo lỗ 65 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, công ty vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 9,4 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Thành Nam hơn 1.007 tỷ đồng, trong đó 45% đến từ các khoản phải thu ngắn hạn, 29% đến từ hàng tồn kho. Công ty ghi nhận 292,5 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 20% so với đầu năm. Bên cạnh đó, công ty cũng có 4,3 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 79% so với đầu năm, chủ yếu đến từ chi phí khảo sát dự án BĐS Đà Nẵng (2,5 tỷ đồng) và chi phí khảo sát dự án Condotel (935 triệu đồng).
Lượng tiền và tiền gửi ngân hàng của công ty chỉ hơn 9 tỷ đồng. Tổng nợ tài chính tới cuối quý II ghi nhận 276 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm, chủ yếu do trả được khoản vay từ Vietinbank và giảm các khoản vay từ BIDV và Sacombank.
Trên thị trường chứng khoán, cách đây đúng một năm, cổ phiếu TNI bất ngờ tăng vọt với nhiều phiên kịch trần liên tiếp, từ vùng giá 4.000 đồng/cổ phiếu lên 14.000 đồng/cổ phiếu trong chưa đầy một tháng. Kể từ đó, cổ phiếu TNI lại quay đầu, liên tục lao dốc và rơi về nhóm cổ phiếu “trà đá”. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9, TNI tăng trần với thị giá 4.040 đồng/cp.
Xem thêm: Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sơn Mỹ II theo hình thức BOT
Nam Phong