6 tháng đầu năm, lợi nhuận tại doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thép như HPG, NKG, VGS,… đang gồng mình gánh những khoản vay nợ tài chính khổng lồ.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận tại doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thép như HPG, NKG, VGS,… đang gồng mình gánh những khoản vay nợ tài chính khổng lồ.
Doanh nghiệp ngành thép lãi đậm
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với kết quả kinh doanh ấn tượng so với cùng kỳ 2020.
Đơn cử, tại 'ông lớn' Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 lên tới 16.751 tỷ, thực hiện 93% kế hoạch cả năm và vượt kết quả 12 tháng năm ngoái.
Hay như Tập đoàn Hoa Sen (HSG), lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ 1/10 đến 30/6/2021), sản lượng bán hàng trên 1,69 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ. Doanh thu hơn 32.929 tỷ, lãi sau thuế tại HSG đạt hơn 3.372 tỷ, tăng trưởng lần lượt 72% và 381%. Với kết quả này, Hoa Sen đã thực hiện 94% kế hoạch sản lượng, 99,8% mục tiêu doanh thu và 225% mục tiêu lợi nhuận toàn niên độ.
Nửa đầu năm 2021, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) báo lãi sau thuế 1.166 tỷ, gấp 20 lần cùng kỳ và cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Xét về tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, Nam Kim dẫn đầu ngành thép 6 tháng đầu năm nay.
Nối gót NKG, HSG, Thép Tiến Lên (TLH) báo lãi sau thuế 6 tháng qua đạt gần 197 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 lỗ hơn 15 tỷ đồng. Lãi ròng gần 191 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ gần 16 tỷ đồng). Đây là mức lãi ròng cao nhất của TLH từng ghi nhận trong một quý từ thời điểm niêm yết đến nay.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp thép khác cũng báo lãi đậm trong nửa đầu năm 2021 như: CTCP Thép Việt Ý (VIS) lãi sau thuế gần 74 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ gần 17 tỷ đồng); Thép Thủ Đức (TDS) đạt gần 47 tỷ đồng, tăng 185% so với cùng kỳ; Thép VICASA - VNSTEEL (VCA) lãi sau thuế hơn 40 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ 2020; Thép Pomina (POM) lãi ròng gần 202 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước lỗ hơn 144 tỷ đồng; CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) lãi ròng gần 110 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với cùng kỳ;...
Vì đâu doanh nghiệp thép tăng cường vay nợ?
Để có được 'cơ ngơi' kỳ vọng, quy mô nợ vay tài chính của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đang tăng rất mạnh.
Đơn cử tại Hòa Phát, tính tới 30/6/2021, việc tăng vay nợ tài chính để đầu tư vào dự án mới, cộng với quy mô vay nợ lớn trước đó để phục vụ nhu cầu vốn lưu động đã đẩy vay nợ của Hòa Phát cán mốc 55.994 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, chiếm tới 65% nợ phải trả và 35% tổng tài sản của tập đoàn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn lên hơn 37.528 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 18.465 tỷ đồng.
Vay nợ tăng cao khiến doanh nghiệp phải trả nhiều chi phí lãi vay hơn. Sau 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay tại Hòa Phát hơn 1.221 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Chủ tịch Trần Đình Long đã từng giải thích rằng quy mô vay của Hòa Phát có vẻ lớn nhưng giá trị vay ròng (tức là nợ vay trừ đi tiền mặt) lại khá nhỏ, nằm trong ngưỡng an toàn.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) cũng là trường hợp tương tự, tính đến 30/6/2021, tổng vay nợ tài chính tăng 24% lên hơn 8.435 tỷ đồng, chiếm tới 55% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn ghi nhận hơn 6.465 tỷ đồng và vay nợ dài hạn hơn 1.970 tỷ đồng.
Hay như tại VGS, tổng vay nợ tài chính bất ngờ tăng vọt 89% so với đầu năm, ghi nhận hơn 753 tỷ đồng, chiếm 49% nợ phải trả của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dù báo lãi đậm song dòng tiền kinh doanh tại VGS nửa đầu năm 2021 âm hơn 208 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 dương 188 tỷ đồng. Điều này cho thấy lợi nhuận chỉ ghi nhận trên sổ sách chứ chưa thu tiền về. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường vay nợ để hoạt động kinh doanh.
Tương tự, tại ngày 30/6/2021, tổng vay nợ tài chính tại NKG tăng 34% so với đầu năm, lên gần 4.029 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng BIDV hiện là chủ nợ lớn nhất của NKG. Tuy lãi đậm nhưng dòng tiền kinh doanh tại NKG lại âm hơn 436,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 561 tỷ đồng).
Tổng vay nợ tại POM tính tới 30/6 cũng ghi nhận gần 3.279 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chiếm 34% nợ phải trả của doanh nghiệp.
Có thể thấy, một số doanh nghiệp ngành thép đang đầu tư mạnh, chấp nhận khó khăn và thậm chí nặng gánh chi phí nợ vay để củng cố sức mạnh nền tảng, giữ thị phần và làm đòn bẩy tăng trưởng cho tương lai.
Theo Hoàng Long - Huy Tùng/ kinhtexaydung.petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/soi-vay-no-cua-doanh-nghiep-nganh-thep-hoa-phat-can-moc-gan-25-ty-usd-622025.html