Tính đến cuối tháng 6/2021, chi phí xây dựng dở dang tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City là 2.175 tỷ đồng. CEO Group kỳ vọng dự án này sẽ đem lại cho doanh nghiệp nguồn thu lớn và đạt được lợi nhuận kỳ vọng trong năm nay.
Tính đến cuối tháng 6/2021, chi phí xây dựng dở dang tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City là 2.175 tỷ đồng. CEO Group kỳ vọng dự án này sẽ đem lại cho doanh nghiệp nguồn thu lớn và đạt được lợi nhuận kỳ vọng trong năm nay.
Tuy nhiên, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp và những diễn biến bất lợi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và thị trường Vân Đồn nói riêng đang khiến nhiều người lo ngại CEO Group sẽ “sa lầy” tại thị trường này.
“Tổng lực” cho dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã CK: CEO), doanh nghiệp có hơn 2.225 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án như: Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City, Khu du lịch Green Hotel & Resort và dự án khác.
Trong đó, phần lớn chi phí “rót” vào dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City với 2.175 tỷ đồng giá trị xây dựng dở dang. Theo giới thiệu, dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City có quy mô 358,5 ha tọa lạc tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng, Sonasea Vân Đồn Harbour City là tổ hợp nghỉ dưỡng bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng Condotel, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển và trung tâm hội nghị quốc tế. Đây là dự án trọng điểm của CEO Group kể từ khi khởi công vào năm 2018 cho đến nay.
Tại ĐHĐCĐ của CEO Groupđược tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo CEO cho biết, trong năm nay doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai và kinh doanh ba dự án quan trọng là Sonasea Vân Đồn Harbor City, CEO Mê Linh (CEO Homes Hana Garden) và River Silk City (Hà Nam).
Năm 2021, CEO Group đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng, tăng gần 21% so với kết quả thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 80 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ hơn 103 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch này, theo lãnh đạo CEO Group, doanh nghiệp sẽ tập trung triển khai và kinh doanh ba dự án trọng điểm nêu trên. Trong đó, công ty đặt kỳ vọng rất lớn ở Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Tuy nhiên, những gì CEO thể hiện lại đang đi ngược lại so với kỳ vọng của doanh nghiệp khi báo lỗ sau thuế 165 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, như vậy, mục tiêu có lãi 80 tỷ đồng còn cách doanh nghiệp rất xa.
Thị trường nhiều biến động và bất lợi
Trong khi đó, diễn biến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang nhiều bất lợi do dịch bệnh covid-19 bùng phát và kéo dài suốt từ cuối năm 2019 đến nay. Khách du lịch vắng bóng, sân bay, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng đều rơi vào cảnh vắng vẻ, ế ẩm, nhiều phòng giao dịch, sàn môi giới đóng cửa,…
Nhiều chủ dự án lớn tại Vân Đồn gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh, phải giãn hoặc hoãn tiến độ, thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công trong tình cảnh tài chính, nợ nần rất căng thẳng.
Thực tế cho thấy, Vân Đồn là một thị trường “khó nhằn” và đầy biến động. Những diễn biến thị trường bất động sản tại địa phương này đã không ít lần khiến giới đầu tư “không kịp trở tay”.
Trong quá khứ, Vân Đồn từng là điểm nóng của thị trường bất động sản khi thông tin địa phương này có định hướng thành đặc khu kinh tế. Khoảng năm 2017 – đầu 2018, cơn sốt đất càn quét thị trường bất động sản Vân Đồn khiến giá tăng chóng mặt.
Bên cạnh đó, tình trạng “thổi giá”, “tạo sóng” cũng thường xuyên diễn ra tại thị trường này, những câu chuyện đầu tư kiếm tiền tỷ, môi giới tiếp không hết khách, đất Vân Đồn nườm nượp người mua kẻ bán… xuất hiện dày đặc trên các kênh thông tin, diễn đàn, mạng xã hội.
Tuy nhiên ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có động thái “mạnh”, yêu cầu tạm dừng các giao dịch đất đai tại huyện Vân Đồn nhằm ngăn chặn và kiểm soát cơn sốt đất. Cũng trong năm 2018, thông tin Luật quy hoạch đặc khu Vân Đồn không được Quốc hội thông qua khiến thị trường rơi vào tình trạng “đóng băng”, nhiều nhà đầu tư mua đất vào đúng thời điểm nóng sốt, không kịp “thoát hàng” ngậm ngùi ôm “trái đắng”.
Sau đó “lệnh cấm” đã được gỡ bỏ, thị trường có những đợt có dấu hiệu rục rịch “nóng” trở lại, tuy nhiên lãnh đạo địa phương này luôn có những động thái kiểm soát rất chặt chẽ khi ban hành những văn bản chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm soát sốt đất… khiến thị trường nhanh chóng “hạ nhiệt”.
Từ năm 2020 đến nay, thị trường bất động sản Vân Đồnchịu ảnh hưởng sâu và rộng bởi dịch Covid-19 khi giao dịch giảm mạnh, nhiều sàn bất động sản phải đóng cửa. Giá đất Vân Đồn giảm sâu, tại một số dự án, giá giảm khoảng 30%.
Thậm chí nhiều chủ đầu tư gặp khó tại Vân Đồn, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai, bị thu hồi dự án hoặc phải trả lại dự án. Đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, một số ông lớn đang “chật vật” và có dấu hiệu “mắc cạn” tại thị trường này…
Nguy cơ bị “sa lầy” tại Vân Đồn?
Ngay giữa lúc thị trường Vân Đồn và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói chung quá nhiều khó khăn, CEO Group đã ra mắt và chào bán các sản phất tại Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Bắt đầu từ năm 2019, những thông tin quảng cáo, rao bán sản phẩm bất động sản tại dự án này đã xuất hiện tràn lan. Nhiều môi giới đã rao bán và nhận đặt cọc sản phẩm nhà phố thương mại Singapore Shoptel thuộc dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City.
Tuy nhiên sau đó CEO lên tiếng khẳng định doanh nghiệp chưa mở bán bất kỳ một sản phẩm nào tại Sonasea Vân Đồn Harbor City và những giao dịch đã phát sinh thời gian qua là hoàn toàn không đúng và không phải do Tập đoàn CEO thực hiện.
Đến tháng 7/2020 CEO đã tổ chức lễ kick-off bán hàng phân khu Singapore Shoptel thuộc Sonasea Vân Đồn Harbor City, tại đây lãnh đạo CEO cho biết, hiện Tập đoàn CEO đã hoàn thiện cơ bản giai đoạn 1 của phân khu Singapore Shoptel và đã sẵn sàng giới thiệu 192 căn shoptel tới khách hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng công bố chính sách bán hàng hấp dẫn như hỗ trợ vay vốn lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc, đặc biệt là chiết khấu lên đến 9% giá trị hợp đồng đối với khách hàng thanh toán sớm…
Ngay sau đó, sản phẩm bất động sản tại Sonasea Vân Đồn Harbor City được rao bán rầm rộ với mức giá từ 4,7 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên, kết quả đạt được dường như không như kỳ vọng khi tình kinh doanh năm 2020 của doanh nghiệp không khả quan, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đạt 925 tỷ đồng trong khi năm 2019 là hơn 3.816 tỷ đồng. Trong năm này, CEO báo lỗ 103 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, CEO tiếp tục báo lỗ gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ 110 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của CEO Group hiện cũng cho thấy nhiều vấn đề khi dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 âm hơn 91 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 ghi nhận hơn 208 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 3.791 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản. Trong đó, tổng dư nợ đi vay chiếm 51% nợ phải trả, ghi nhận hơn 1.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Đáng chú ý, mới đây CEO Group đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 9,9 triệu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ, tương đương 99% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Động thái này được cho là do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm và tài chính khó khăn.
Được biết, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ là chủ đầu tư dự án Riverine Cần Thơ City, dự án từng được quảng cáo có vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng. Lãnh đạo CEO Group từng kỳ vọng, dự án này sẽ đem lại nguồn thu nhập lớn cho tập đoàn và gây dựng hình ảnh tại TP Cần Thơ.
Mặc dù CEO Group không nêu rõ lý do vì sao lại rút vốn khỏi Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nam Cần Thơ nhưng nhiều người cho rằng do doanh nghiệp này đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, buộc phải bán tài sản để thu hồi vốn.
Bên cạnh đó, CEO cũng thế chấp nhiều tài sản tại các ngân hàng để huy động vốn. Theo tìm hiểu, ngày 8/6/2019, CEO Vân Đồn đã mang một phần dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân để vay 620 tỷ đồng.
Trước đó, CEO Group cũng đã thế chấp tòa tháp trụ sở CEO ở đường Phạm Hùng cho ngân hàng BIDV, thế chấp 96 biệt thự tại dự án Sonasea Villas &Resort Phú Quốc để vay vốn từ lâu. Doanh nghiệp cũng từng thế chấp dự án Khu nhà ở xã hội Bamboo Garden.
Ngoài ra, CEO Group hiện cũng đang gặp khó tại dự án Sonasea Nha Trang (Cam Ranh, Khánh Hòa) khi dự án chậm tiến độ so với cam kết. Đến nay nhà đầu tư mới hoàn thành xây dựng nhà điều hành ban quản lý và đang triển khai san nền dự án.
CEO Group kỳ vọng đưa dự án Sonasea Nha Trang rộng 7,9 ha trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất cát hoang hóa…
Theo Hải Lan - Huy Tùng/petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/rot-nghin-ty-vao-sonasea-van-don-harbor-city-ceo-group-co-nguy-co-sa-lay-tai-van-don-621197.html