Tập đoàn Hòa Phát liên tục mở rộng quy mô hoạt động
Tập đoàn Hòa Phát liên tục mở rộng quy mô hoạt động
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần năm 2021 đạt 149.680 tỷ đồng và lãi sau thuế 34.521 tỷ trong năm vừa qua, tăng lần lượt 66% và 156% so với năm trước, đồng thời vượt xa mục tiêu mà đại hội cổ đông đặt ra.
Tuy lợi nhuận của cả năm 2021 là con số cao kỷ lục trong lịch sử của Hòa Phát, nhưng kết quả hoạt động trong quý 4/2021 đã giảm tốc đáng kể so với các quý trước do giá thép đi xuống.
Giá cổ phiếu HPG có thời điểm ở mức 42.200 đồng/cp, giảm 27% so với đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp thiết lập cuối tháng 10/2021.
Theo báo cáo của Hòa Phát, hiện nay Tập đoàn đang thực hiện đầu tư 6 dự án tại Khu Kinh tế Dung Quất, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 149.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 với diện tích trên 340 ha, công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại toàn bộ dự án đã đi vào hoạt động, riêng giai đoạn 2 đang vận hành thử nghiệm từ quý I/2021. Dự án hiện thu hút khoảng 13.600 lao động, trong đó 80% là người địa phương. Năm 2022, Tập đoàn có kế hoạch tối ưu hóa công suất khu liên hợp lên 6 triệu tấn/năm.
Còn khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được triển khai xây dựng trên diện tích gần 280 ha, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép dẹt/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án đang hoàn thiện các thủ tục, dự kiến khởi công trong tháng 5/2022. Hiện dự án đã GPMB, tạo quỹ đất sạch được 73% tổng diện tích thực hiện dự án.
Như vậy, tổng công suất của hai khu liên hợp trong những năm tới sẽ là 11,6 triệu tấn/năm.
Ngoài hai khu liên hợp trên, Tập đoàn Hòa Phát đã và đang triển khai các dự án khác như: Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư hơn 3.774 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2023 vận hành toàn bộ 3 bến 6, 7 và 8.
Dự án cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tổng vốn đầu tư 265 tỷ đồng; Nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ và bãi đỗ phương tiên vận tải Hòa Phát Dung Quất tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Các dự án này đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 và đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai giai đoạn 2; Khách sạn The Harmonia với tổng vốn đầu tư hơn 120 tỷ đồng.
Ngày 25/11/2021, Hòa Phát đã khởi công Dự án Nhà máy Sản xuất Container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Công suất của nhà máy mỗi năm là khoảng 500.000 TEU (đơn vị tương đương container dài 20 feet). Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 - 200.000 TEU/năm, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý 3/2022.
Vào tháng 5/2021, Hòa Phát đã hoàn tất mua 100% cổ phần Dự án mỏ quặng sắt Roper Valley với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, từ cuối năm ngoái đến nay, Tập đoàn Hòa Phát liên tục có động thái tìm kiếm quỹ đất tại các địa phương.
Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) và xã Hồng Đức (Ninh Giang), tỉnh Hải Dương.
Tại Cần Thơ, Hòa Phát đã được địa phương chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu, đề xuất ba dự án bao gồm: Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp khoảng 452 ha tại quận Bình Thủy; khu đô thị thương mại - dịch vụ 88,2 ha (gồm khu nhà ở 58,2 ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30 ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; khu đô thị thương mại - dịch vụ 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Tại Khánh Hòa, Hòa Phát và KDI Holdings vừa qua đã đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn TP Nha Trang và thị xã Ninh Hòa, bao gồm: Quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Cái và phát triển các dự án tại TP Nha Trang; vùng kinh tế động lực công nghiệp - đô thị - dịch vụ Ninh Hòa tại các xã Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây với đầy đủ chức năng như Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu đô thị suố khoáng nóng, khu bảo tồn, khu vui chơi giải trí và khu đô thị dịch vụ sân golf.
Mới đây, CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát cũng đề nghị tài trợ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị - dịch vụ Nam Châu Ổ - Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
"Ông lớn" ngành thép phải trả gần 7 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày
Tập đoàn Hòa Phát hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sản xuất thép, nội thất, điện lạnh, nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản. Song song với việc liên tục mở rộng quy mô hoạt động, nợ vay của HPG cũng tăng đều qua các năm.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2021, tập đoàn Hòa Phát có tổng tài sản khoảng 178.000 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả là hơn 87.400 tỷ, tương ứng gần 4 tỷ USD.
Trong 87.400 tỷ đồng nợ phải trả, Hòa Phát có khoảng 57.200 tỷ đồng nợ vay, tăng 6% so với đầu năm. Nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 43.747 tỷ đồng, tương đương tăng 19% so với đầu năm và nợ vay dài hạn ghi nhận gần 13.465 tỷ đồng, giảm 22%. Việc tăng cường vay ngắn hạn thay cho vay dài hạn sẽ giúp bớt đi gánh nặng lãi vay của Hòa Phát.
Dù vậy, mức vay nợ tăng cao khiến “ông lớn” ngành thép phải trả mức lãi khá lớn. Trong năm 2021, HPG phải trả gần 2.526 tỷ đồng lãi vay (gần 7 tỷ đồng mỗi ngày), tăng 15% so với cùng kỳ. Ngoài chi phí lãi vay, chi phí tài chính tại Hòa Phát cũng tăng 32% so với đầu năm, từ 2.837 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 3.731 tỷ đồng.
Do cả doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát năm 2021 đều tăng trưởng mạnh so với năm trước nên tỷ lệ khả năng trả lãi (EBIT/lãi vay) vẫn cao ở trên mức 8 lần, tức Hòa Phát đủ sức trả chi phí lãi vay cao gấp hơn 8 lần hiện nay.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Hòa Phát cho biết, lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động kinh doanh năm 2021 là 27.466 tỷ đồng, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ các hoạt động đầu tư lại âm hơn 20.404 tỷ đồng vì chi quá nhiều cho vay, mua các công ty nợ của đơn vị khác; mua sắm trang thiết bị,…
Dòng tiền đầu tư âm buộc Hòa Phát phải vay hơn 124.733 tỷ đồng để cân đối ngân sách (năm 2020 chỉ ở mức 83.074 tỷ đồng) trong đó trả nợ gốc gần 121.311 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ Tập đoàn giảm nhẹ 4%, ở mức hơn 8.791 tỷ đồng.
Hiện dự án Dung Quất 2 có diện tích trên 280 ha, nằm kề bên dự án Dung Quất 1 đang hoạt động. Công suất thiết kế bao gồm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 85.000 tỷ đồng.
Dự kiến, Hòa Phát sẽ khởi công dự án Dung Quất 2 trong quý I/2022 và hoàn thành trong ba năm kể từ ngày khởi công. Khi dự án hoàn tất, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát có thể đạt 14 triệu tấn/năm.
Theo Hoàng Long/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/ong-lon-nganh-thep-hoa-phat-tra-gan-7-ty-dong-tien-lai-vay-moi-ngay-d134346.html