Trong nửa đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - thành viên trong hệ sinh thái Trungnam Group thông báo chậm trả lãi 8 lô trái phiếu.
Trong nửa đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - thành viên trong hệ sinh thái Trungnam Group thông báo chậm trả lãi 8 lô trái phiếu.
CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (viết tắt: Trung Nam Đắk Lắk 1) là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam, công suất 400MW, tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng. Đây là một thành viên trong hệ sinh thái Trungnam Group, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Theo giới thiệu của Trungnam Group, nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk được khởi công tháng 6/2021 và đóng điện tháng 11 cùng năm, tức chỉ sau 5 tháng. Đây là dự án điện gió trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk và là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, sau hơn một năm đi vào vận hành, Trung Nam Đắk Lắk 1 báo lỗ năm 2022 gần 859 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lãi 1,4 tỷ. Nguyên nhân gây ra thua lỗ chính là chi phí tài chính quá cao. Trong đó, chi phí lãi vay đạt 971 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu khoảng 9.796 tỷ đồng. Khối nợ khổng lồ không chỉ khiến Trung Nam Đắk Lắk 1 thua lỗ mà còn đẩy công ty vào tình trạng khả năng trả nợ yếu trong ngắn hạn.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Trung Nam Đắk Lắk 1 lên đến 12.110 tỷ đồng, tăng 1.586 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với năm 2021. Khối nợ này cao gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,5% tổng nguồn vốn công ty.
Đáng chú ý, dù nợ tập trung chủ yếu ở nợ dài hạn (chủ yếu là trái phiếu) nhưng nợ ngắn hạn của Trung Nam Đắk Lắk 1 vẫn cao trượt trội so với tài sản ngắn hạn.
Hồi cuối năm 2022, nợ ngắn hạn của công ty là 1.590 tỷ đồng, chiếm 13,1% tổng nợ phải trả nhưng vẫn cao gấp 1,4 lần tài sản ngắn hạn. Hay nói cách khác, tỷ lệ tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn (hệ số khả năng thanh toán hiện thời) tại Trung Nam Đắk Lắk 1 là 0,71.
Tính tới 30/6/2023, Trung Nam Đắk Lắk 1 có dư nợ trái phiếu khoảng 9.538 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Trung Nam Đắk Lắk 1 đã phát hành 10 lô trái phiếu, huy động tổng cộng 10.250 tỷ đồng. Ngoại trừ lô trái phiếu có mã TD1CB2122001 trị giá 60 tỷ đồng, kỳ hạn hơn 1 năm, các lô trái phiếu còn lại của Trung Nam Đắk Lắk 1 đều có kỳ hạn dài từ 5-14 năm.
Đáng nói, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu tại Trung Nam Đắk Lắk 1 chỉ diễn ra trong vòng nửa năm từ khoảng tháng 6/2021 đến hết năm với lãi suất trung bình 9,5%.
Dồn dập huy động trái phiếu với lãi suất tương đối cao khiến thành viên của Trungnam Group thông báo liên tiếp chậm thanh toán lãi trái phiếu đến hạn trong nửa đầu năm 2023.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã chậm thanh toán lãi 8 mã trái phiếu, dù thời gian chậm thanh toán không dài. Lý do doanh nghiệp này chậm mua lại và trả lãi cho trái chủ tất cả các lô trái phiếu do nguồn thu tiền điện về chậm hơn kế hoạch.
Cụ thể, đối với trái phiếu TD1CB2126002, mệnh giá 600 tỷ đồng, dư nợ còn lại 525 tỷ đồng và phát hành ngày 23/6/2021. Trong đó, ngày 30/1/2023, Công ty phải mua lại trước hạn gần 75 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty thực tế thanh toán trong ngày 30/1/2023 và ngày 31/1/2023; đồng thời, ngày 4/5/2023 phải thanh toán 13,72 tỷ đồng tiền lãi, nhưng Công ty thanh toán vào ngày 4/5, 10/5 và 12/5/2023.
Thứ hai, đối với trái phiếu TD1CB2130003, phát hành ngày 7/6/2021, mệnh giá 960 tỷ đồng và dư nợ còn lại là 960 tỷ đồng. Trong đó, ngày 4/5/2023 phải trả 25,09 tỷ đồng tiền lãi, nhưng thời gian thanh toán thực tế là là ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
Thứ ba, đối với trái phiếu mã TD1CB2134004, phát hành ngày 7/6/2021, mệnh giá 1.130 tỷ đồng và dư nợ hiện tại là 1.130 tỷ đồng. Trong đó, ngày 4/5/2023 phải trả 29,53 tỷ đồng tiền lãi, nhưng thực tế, Công ty cũng phải thanh toán trong 3 ngày là 4/5, 10/5 và 12/5.
Thứ tư, đối với trái phiếu mã TD1CB2135006, phát hành ngày 9/6/2021, mệnh giá 1.500 tỷ đồng và dư nợ còn lại 1.432,5 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/1/2023 phải mua lại 37,5 tỷ đồng trái phiếu trước hạn nhưng 31/1/2023 mới thực hiện mua; đồng thời ngày 4/5/2023 phải trả lãi 37,44 tỷ đồng, nhưng thực tế thanh toán trong ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
Thứ năm, đối với trái phiếu mã TD1CB2135007, phát hành ngày 1/11/2021, mệnh giá 2.000 tỷ đồng và dư nợ còn lại 1.910 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/1/2023 phải mua lại 50 tỷ đồng nhưng thực tế mua lại ngày 31/1/2023; đồng thời ngày 4/5/2023 phải trả 49,92 tỷ đồng tiền lãi nhưng thực tế thanh toán là ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
Thứ sáu, đối với trái phiếu mã TD1CB2135008, phát hành ngày 20/10/2021, mệnh giá 1.500 tỷ đồng và dư nợ còn lại là 1.432,5 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/1/2023 phải mua lại 37,5 tỷ đồng nhưng tới 31/1/2023 mới thực hiện; đồng thời, ngày 4/5/2023 phải trả 37,44 tỷ đồng tiền lãi, nhưng thực tế thanh toán trong các ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
Thứ bảy, đối với trái phiếu mã TD1CB2135009, phát hành ngày 29/11/2021, mệnh giá 1.500 tỷ đồng, dư nợ còn lại là 1.432,5 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/1/2023 phải mua lại trước hạn 37,5 tỷ đồng, nhưng sau đó 1 ngày (tới 31/1/2023) mới mua lại; đồng thời ngày 4/5/2023 phải trả 37,44 tỷ đồng tiền lãi, nhưng thực tế thanh toán trong ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
Lô trái phiếu cuối cùng có mã TD1CB2135010, phát hành ngày 27/9/2021, mệnh giá 750 tỷ đồng, dư nợ còn lại 716,25 tỷ đồng. Trong đó, ngày 30/1/2023 phải mua lại trước hạn 18,75 tỷ đồng nhưng thực tế là ngày 31/1/2023; đồng thời ngày 4/5/2023 phải trả lãi 18,72 tỷ đồng, nhưng thực tế thanh toán ngày 4/5, 10/5 và 12/5.
CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) là tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực như xây dựng, hạ tầng, bất động sản, công nghiệp... Năm 2018, Trung Nam bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kể từ đó mảng này trở thành trụ cột chính của Trungnam Group.
Để thực hiện loạt dự án năng lượng mới nói trên, Trungnam Group cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, Trung Nam Group cũng như các công ty thành viên liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo thống kê, tập đoàn Trungnam Group có khoảng 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành phần lớn trong năm 2021, và hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2021 để kịp hưởng giá ưu đãi FIT. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, quy mô tổng tài sản của Trungnam Group tính đến cuối năm 2022 vượt 96.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.500 tỷ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn hơn 27.914 tỷ đồng, giảm không đáng kể sau một năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng 68.110 tỷ đồng, tăng 5,4%.
Tính đến 31/12/2022, dư nợ trái phiếu của tập đoàn này ở mức 24.285 tỷ, tương đương tăng 1.367 tỷ sau một năm, chiếm khoảng 36% tổng nợ phải trả. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn giảm tới 84% so với năm trước, xuống còn 254 tỷ đồng.
Có thể thấy, quy mô tài sản của Trungnam Group đã vượt mốc 96.000 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới gần 70.000 tỷ. Kết quả kinh doanh năm 2022 giảm sút đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ của tập đoàn.
Hà Phương - Huy Tùng