Dưới tác động của dịch Covid -19, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sụt giảm rõ rệt. Điển hình như KBC, BCM, BAX,...
Dưới tác động của dịch Covid -19, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp sụt giảm rõ rệt. Điển hình như KBC, BCM, BAX,...
Quý 3/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp do đó hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã thể hiện sự sụt giảm rõ rệt.
Trong số các doanh nghiệp bất động sản KCN, kết quả kinh doanh tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) thực sự khiến nhà đầu tư thất vọng.
Cụ thể, giữa đại dịch hoạt động chuyển nhượng bất động sản và cho thuê kho, nhà xưởng và văn phòng của KBC vẫn ghi nhận tăng trưởng, qua đó giúp doanh thu thuần quý 3/2021 tăng 61% so với cùng kỳ, đạt gần 325 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng giúp doanh thu tài chính của KBC gấp đôi cùng kỳ, đạt gần 37 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong quý 3 của KBC lại ghi nhận đến gần 155 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Ngoài ra, KBC còn phát sinh gần 14 tỷ đồng chi phí bán hàng, trong khi cùng kỳ Công ty không có khoản chi phí này.
Kết quả, KBC lỗ ròng hơn 68 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng). Đây là mức lỗ ròng cao nhất của KBC trong một quý trong vòng 9 năm trở lại đây (kể từ quý 4/2012).
Tuy nhiên, nhờ kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý 1 nên tính chung 9 tháng đầu năm 2021, KBC vẫn đạt gần 3.077 tỷ đồng doanh thu thuần và 572 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt gấp 3,3 lần và 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tuy mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng trong năm 2021, KBC chỉ mới thực hiện được gần 37% mục tiêu đề ra, phần lớn do ảnh hưởng từ kết quả thua lỗ của quý 3.
Một trường hợp khác cũng kinh doanh ảm đạm không kém là “ông lớn’ Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HOSE: BCM).
Cụ thể, trong quý 3, doanh thu thuần của BCM ghi nhận hơn 761 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Nguyên nhân khiến doanh thu của BCM sụt giảm mạnh là do trong kỳ, hoạt động thu phí cầu đường và thi công công trình bị “tê liệt” nên Công ty không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động này. Doanh thu từ bất động sản giảm gần 42%, trong khi đó, doanh thu từ bán thành phẩm chỉ bằng gần 48% cùng kỳ.
Trong khi các nguồn thu đều sụt giảm, chi phí lãi vay và chi phí quản lý của BCM lại lần lượt tăng 11% và 10%, lên hơn 162 tỷ đồng và 97 tỷ đồng. Ngoài ra, BCM còn phát sinh hơn 94 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Do đó, doanh nghiệp chỉ lãi ròng gần 49 tỷ đồng trong quý 3, giảm 92% so với cùng kỳ. Do cú “trượt chân” trong quý 3, doanh thu và lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của BCM đều giảm lần lượt 26% và 17% so với cùng kỳ, còn hơn 3.853 tỷ đồng và hơn 988 tỷ đồng.
Ngoài hai “ông lớn” KBC và BCM, loạt doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp khác cũng ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh trong quý 3/2021.
Cụ thể, CTCP Long Hậu (HOSE: LHG) do không ghi nhận doanh thu cho thuê đất khiến doanh thu giảm 28%, xuống còn 52 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ, chỉ đạt gần 20 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý 3/2021, CTCP Thống Nhất (HNX: BAX) không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ dự án Khu Trung tâm dịch vụ KCN Bàu Xéo – động lực tăng trưởng chính của Công ty trong các quý gần đây. Hệ quả, doanh thu thuần tại BAX giảm 92% xuống còn gần 19 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của BAX giảm mạnh 94% chỉ còn gần 7 tỷ đồng.
Đối với CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC), do sụt giảm doanh thu trong cả hoạt động kinh doanh chính lẫn hoạt động tài chính khiến doanh thu thuần giảm 64% xuống còn 37 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 49 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ.
Còn với CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước (UPCoM: HPI), doanh thu thuần giảm mạnh 75%, chỉ còn hơn 20 tỷ đồng do doanh thu cho thuê đất sụt giảm mạnh. Doanh thu tài chính cũng giảm khiến HPI chỉ lãi sau thuế gần 4 tỷ, giảm mạnh 81% so với cùng kỳ.
Hiện nay, giai đoạn khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã giảm khi bắt đầu từ tháng 10, nhiều địa phương đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đặc biệt là TP.HCM và Bình Dương. Mọi hoạt động sản xuất công nghiệp mở cửa trở lại, sự phục hồi của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp chỉ là vấn đề thời gian.
Theo Hoàng Long - Huy Tùng/Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/not-tram-tu-ket-qua-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep-bat-dong-san-khu-cong-nghiep-633020.html