9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) báo lợi nhuận trước thuế tăng 40%, đạt 3.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt 2.553 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) báo lợi nhuận trước thuế tăng 40%, đạt 3.249 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 38%, đạt 2.553 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù báo lãi nghìn tỷ trong 9 tháng đầu năm 2021 nhưng dòng tiền vào ra lại cho thấy Sacombank đã bị hao hụt những khoản tiền không hề nhỏ.
Dòng tiền thuần của ngân hàng có 3 khoản mục chính là lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Thông thường, dòng tiền vào – ra lớn nhất tại các ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động kinh doanh, phản ánh tiền thu, tiền chi liên quan đến huy động – cho vay của NHTM như thu lãi, phí cho vay; thu hồi cho vay; chi cho vay; nhận tiền gửi,…
Tại Sacombank, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2021 âm hơn 6.498 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 7.349 tỷ đồng; dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương gần 149 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 âm hơn 318 tỷ đồng); dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm hơn 3.915 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 7.030 tỷ đồng.
Thêm một vấn đề cũng xuất hiện trong báo cáo tài chính của Sacombank đó là nợ xấu. Tính đến 30/9/2021, chất lượng nợ vay cải thiện so với đầu năm khi tổng nợ xấu chỉ còn 5.568 tỷ đồng, giảm 4%. Có sự dịch chuyển từ nợ có khả năng mất vốn giảm 6% và nợ nghi ngờ giảm 5% sang nợ dưới tiêu chuẩn tăng 44% lên hơn 400 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ mức 1,7% đầu năm xuống còn 1,56%.
Đáng nói, nợ cần chú ý tại Sacombank lại bất ngờ tăng vọt 130% so với đầu năm, lên hơn 1.809 tỷ đồng. Nợ cần chú ý dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Việc nợ dưới tiêu chuẩn và nợ cần chú ý cùng tăng mạnh cho thấy các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã bắt đầu tăng lên tại Sacombank.
Đặc biệt, lãi dự thu tại Sacombank vẫn tương đối cao. Tính tới 30/9/2021, lãi dự thu có tín hiệu tích cực khi con số này giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, lãi dự thu vẫn ghi nhận ở mức khá cao, còn hơn 13.226 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 2.553 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ lãi dự thu/tổng tài sản ở mức 3%
Lãi dự thu tương đối cao ít nhiều khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thể thu được các khoản dự lãi này.
Hiểu đơn giản, ngân hàng sẽ buộc phải ghi nhận giảm doanh thu nếu khoản lãi không thu được xảy ra trong cùng kỳ kế toán, hoặc phải ghi tăng chi phí nếu nó xảy ra ở một kỳ kế toán khác. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.
Vừa qua, Sacombank thông báo về việc hoàn tất phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu. Theo đó, ngày 28/10/2021, Sacombank đã đóng sổ phát hành thành công 5.000 trái phiếu, tương đương 5.000 tỷ đồng với phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chỉ sau 1 tháng từ khi mở sổ.
Trái phiếu Sacombank có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm, được phát hành và thanh toán bằng VND, xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp và không phải nợ thứ cấp. Số tiền thu về được Sacombank sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, đồng thời góp phần gia tăng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Ngân hàng.
Theo Hoàng Long/ Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/no-xau-tai-sacombank-chuyen-bien-ra-sao-d117676.html