Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản mà đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản mà đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro…
Ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản mà đó chỉ là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống.
“Đến nay NHNN nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy, còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác” - Phó Thống đốc nói. Theo Phó Thống đốc, thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng có tác động lẫn nhau. Nguồn vốn tín dụng cũng là một trong những nguồn vốn quan trọng, tài trợ cho cả bên cung và bên cầu của thị trường.
Theo số liệu thống kê mới nhất, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021, là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Hiện phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.
“Như vậy, có thể thấy hiện nay các TCTD vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn. Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được TCTD cho vay theo đúng quy định” - Phó Thống đốc NHNN nói. Cũng theo ông Đào Minh Tú, trong năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động để có biện pháp phù hợp.
Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường;
Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Hải Hoàng