Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Phục Hưng Holdings thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và chưa đến 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Dù tăng quy mô nhưng nguồn vốn lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 75%...
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Phục Hưng Holdings thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và chưa đến 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Dù tăng quy mô nhưng nguồn vốn lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 75%...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, tổng tài sản tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã cổ phiếu PHC, sàn HOSE) tính đến cuối quý 3/2022 đạt gần 2.668 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.
Đáng nói, tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại Phục Hưng Holdings lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm tới 75%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 25%.
Cụ thế, tính đến cuối quý 3/2022, nợ phải trả của Phục Hưng Holdings ghi nhận hơn 2.005 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại giảm 7% xuống còn 662,6 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Phục Hưng Holdings là 3 lần.
Đặc biệt, tổng nợ vay tại PHC này tính đến cuối quý 3/2022 tăng 13% so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.065 tỷ đồng, chiếm 53% nợ phải trả. Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 17%, từ 777,7 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 911 tỷ đồng; nợ vay dài hạn giảm nhẹ 3%, ghi nhận 154,6 tỷ đồng.
Chủ nợ chính của Phục Hưng Holdings hiện là ngân hàng BIDV với hơn 910 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn.
Quý 3/2022, doanh thu thuần tại Phục Hưng Holdings tăng tới 79% so với cùng kỳ, đạt hơn 399 tỷ đồng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động xây lắp hơn 367 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 hơn 215 tỷ đồng) và doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cao gấp 4,3 lần cùng kỳ, đạt gần 32 tỷ đồng. Trong kỳ, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu và chiếm tới 93% doanh thu thuần khiến lãi gộp giảm 18% so với cùng kỳ, xuống còn 28,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quý này doanh nghiệp chỉ ghi nhận gần 119 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh - liên kết, giảm mạnh 76% so với cùng kỳ. Ngoài ra, các khoản chi phí đều tăng mạnh so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 31% lên hơn 14 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 28% ghi nhận hơn 13,7 tỷ đồng; đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 92%, lên mức gần 22 tỷ đồng.
Dù doanh thu hoạt động tài chính quý 3/2022 cao gấp 6,3 lần cùng kỳ, đạt hơn 8 tỷ đồng nhưng cũng không thể 'cứu vớt' được kết quả kinh doanh. Kết quả, sau khi khấu trừ các loại chi phí, Phục Hưng Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn hơn 52 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2021 đạt hơn 11,7 tỷ đồng, tương đương giảm tới 99,6%.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần tại Phục Hưng Holdings đạt gần 1.108 tỷ đồng, tăng tới 74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 80% xuống còn hơn 8 tỷ đồng; lỗ trong công ty liên doanh hơn 745 triệu đồng (cùng kỳ 2021 lãi hơn 2 tỷ đồng) và các khoản chi phí đều tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm giảm tới 68% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 15 tỷ đồng.
Không chỉ lợi nhuận tăng trưởng âm, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm khiến Phục Hưng Holdings phụ thuộc vào dòng tiền tài chính.
Cụ thể, tính đến 30/9/2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp âm gần 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương hơn 9 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh của Phục Hưng Holdings âm từ hồi đầu năm đến nay là do các khoản phải thu và hàng tồn kho tăng mạnh.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đồng thời, dòng tiền hoạt động đầu tư của Phục Hưng Holdings cũng âm tới 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 vẫn dương gần 15 tỷ đồng. Tổng cộng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 9 tháng đầu năm 2022 âm tới 168,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, dòng tiền hoạt động tài chính tăng của Phục Hưng Holdings ghi nhận hơn 125 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm gần 67 tỷ đồng. Do đó, kết thúc 9 tháng đầu năm, dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 43,6 tỷ đồng.
Thông thường, khi nhìn nhận kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm tới yếu tố doanh thu, lợi nhuận và thường bỏ qua yếu tố dòng tiền. Trong khi trên thực tế, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mới là điểm mấu chốt để có thể đánh giá chính xác và toàn diện về sức khỏe tài chính của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về.
Năm 2022, Phục Hưng Holdings đặt mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với mức đạt được năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 41% chỉ tiêu doanh thu và chưa đến 25% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trong bối cảnh áp lực từ chi phí nguyên vật liệu đã kìm hãm hoạt động kinh doanh các nhà thầu xây dựng. Hơn nữa, thị trường đối mặt với sự chững lại của ngành bất động sản cùng với mặt bằng lãi suất tăng, chi phí lãi vay cao, hạn mức tín dụng bị thu hẹp lại càng đẩy doanh nghiệp ngành xây dựng vào thế khó.
Đặc biệt, tình hình tài chính tại Phục Hưng Holdings cũng không ấy 'sáng sủa'. Do đó, khả năng thực hiện các mục tiêu nghìn tỷ đồng bằng một sức khỏe tài chính lành mạnh vẫn là bài toán khó đối với Phục Hưng Holdings.
Hà Phương