Him Lam chính thức trở thành cổ đông lớn của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) và bóng dáng của Him Lam tại Bamboo Airways đã đánh dấu sự hiện diện mới của đại gia bất động sản này trong lĩnh vực hàng không.
Him Lam chính thức trở thành cổ đông lớn của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) và bóng dáng của Him Lam tại Bamboo Airways đã đánh dấu sự hiện diện mới của đại gia bất động sản này trong lĩnh vực hàng không.
CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa thông báo đã mua thành công gần 2,56 triệu cổ phiếu SGN trong phiên 1/6, tương ứng với 7,6% vốn điều lệ của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn. Trước đó Him Lam Land chưa nắm cổ phiếu SGN nào.
Tại phiên giao dịch ngày 1/6, cổ phiếu SGN không ghi nhận bất kỳ giao dịch khớp lệnh hay thỏa thuận nào. Như vậy nhiều khả năng Him Lam Land đã nhận chuyển nhượng cổ phần mà không thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn.
Theo tìm hiểu, tại ngày 31/3/2023, cổ đông lớn nhất tại SGN là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) với tỷ lệ nắm giữ hơn 48%, kế đến là Chứng khoán SSI, Vietjet (Mã: VJC) và CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMPCorp).
Sự kiện Him Lam Land trở thành cổ đông lớn của SGN có thể được xem như dấu ấn mới của nhóm Him Lam Group trong lĩnh vực hàng không.
Trước khi trở thành cổ đông lớn của SGN và đặt dấu ấn mới trong lĩnh vực hàng không, cái tên Him Lam đã được biết đến trong ngành này khi gắn với Bamboo Airways, dù không trực tiếp đứng tên trong cơ cấu sở hữu.
Theo đó, thời điểm tháng 3/2023, trong cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ, Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân từng cho biết vào thời điểm cam go nhất và lúc nhân sự biến động, CTCP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, xuất hiện trong một văn bản chính thức được gửi bởi ông Lê Thái Sâm - Thành viên Hội đồng quản trị của FLC đến ĐHCĐ bất thường của Bamboo Airways hồi tháng 5, thì ông này đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi).
Con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Thái Sâm cho Bamboo Airways vay tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay.
Với phương án tăng vốn điều lệ là phát hành 772 triệu cổ phần cho các chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần, đồng thời nhận chuyển nhượng cổ phần từ ông Trịnh Văn Quyết và FLC, ông Lê Thái Sâm dự kiến nắm hơn 1,4 tỷ cổ phần, tương đương 46,8% vốn cổ phần ở Bamboo Airways.
Như vậy, sự kiện trở thành cổ đông lớn tại SGN và bóng dáng của Him Lam tại Bamboo Airways nói trên đã đánh dấu sự hiện diện mới của đại gia bất động sản này trong lĩnh vực hàng không.
Về tình hình kinh doanh, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ngày 4/5 công bố văn bản thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 của CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land). Theo đó, trong năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2.380 tỷ đồng, cao gấp 13,9 lần so với thực hiện của năm 2021, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng mạnh từ 7,47% lên 110,96%.
Tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Him Lam Land giảm 7% so với đầu năm về gần 2.145 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 16.943 tỷ đồng trong khi tổng nợ phải trả là 14.798 tỷ đồng, giảm lần lượt 30% và 32,5% so với thời điểm cuối năm 2021.
Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu được công bố cùng ngày 4/5, vào ngày 14/4/2022, công ty đã tất toán trước hạn toàn bộ 104 tỷ đồng trái phiếu của mã HLL_BOND2019. Đây cũng là lô trái phiếu cuối cùng đang lưu hành của Him Lam Land.
Lô trái phiếu được phát hành ngày 11/6/2019, có thời hạn 3 năm, được đảm bảo bởi 110,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn Him Lam Land thuộc sở hữu của ông Dương Công Đoàn. Số cổ phần được định giá 1.371,6 tỷ đồng, theo chứng thư thẩm định giá số 290503/2019/CTTĐG-NVC do Công ty TNHH Thẩm định giá Nam Việt ban hành, tương đương quy đổi 12.413 đồng mỗi cổ phần.
Người đại diện theo pháp luật hiện tại của Him Lam Land là Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Thủy. Doanh nhân sinh năm 1965 này từng có thời gian dài giữ vị trí Phó Tổng giám đốc đầu tư và tài chính của Tập đoàn Him Lam. Ông kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc của Him Lam Land kể từ năm 2008 đến nay.
Trên thị trường chứng khoán, Him Lam Land từng nhận được nhiều quan tâm khi là cựu cổ đông lớn của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – Mã CK: DIG).
Mối duyên giữa 2 doanh nghiệp này được ghi nhận từ tháng 9/2020, khi ban lãnh đạo DIG trình cổ đông kế hoạch hợp tác với Him Lam Land để đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu (có tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được cổ đông DIG thông qua.
Tới đầu tháng 12/2020, Him Lam Land trở thành cổ đông lớn của DIG, sau khi mua gần 67,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 21,49% vốn điều lệ. Khi đó, cổ phiếu DIG đang vận động ở vùng giá 18.000 - 20.000 đồng/cp.
Đến tháng 8/2021, khi cổ phiếu DIG tăng lên vùng giá 34.000 đồng/cp, Him Lam Land rục rịch thoái bớt vốn tại đây.
Cổ phiếu DIG sau đó bước vào nhịp tăng phi mã, có lúc thiết lập mức đỉnh lịch sử gần 120.000 đồng/cp, trước khi trải qua nhịp điều chỉnh mạnh trong nửa đầu năm 2022.
Trong khi cổ phiếu DIG thăng hoa ở vùng đỉnh, Him Lam Land đã bán ra lượng lớn cổ phiếu. Đến cuối tháng 4/2022, Him Lam Land đã giảm tỉ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không phải tiếp tục công bố thông tin do không còn là cổ đông lớn của DIG.
Him Lam Land được thành lập năm 2008, là nhà phân phối cho các dự án địa ốc của CTCP Him Lam (Tập đoàn Him Lam) như Him Lam Nam Khánh Quận 8, Him Lam Riverside Quận 7 (1,2 ha, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng), Him Lam Chợ Lớn Quận 6 (4ha, vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng).
Giai đoạn sau này, Him Lam Land dần phát triển thêm mảng đầu tư bất động sản khi trực tiếp đứng tên chủ đầu tư nhiều dự án như Him Lam Phú Đông tại Dĩ An, Bình Dương (5.363 m2, vốn đầu tư 360 tỷ đồng), Him Lam Phú An Quận 9 (1,8ha, vốn đầu tư 1.770 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng dự án/một phần dự án như Dự án biệt thự sinh thái Long Biên (0,32 ha, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng) và Dự án Him Lam Vạn Phúc, Hà Đông (0,06ha, vốn đầu tư 800 tỷ đồng).
Hoàng Long - Huy Tùng