Căn hộ dịch vụ
Theo nhận định của Savills Việt Nam, trong quý 1/2023 căn hộ dịch vụ có nguồn cung ổn định. Nguồn cung 5.935 căn từ 63 dự án duy trì ổn định theo quý và tăng 4% theo năm. Tỷ lệ lấp đầy đạt 80%, giảm -1 điểm % theo quý nhưng tăng 9 điểm % theo năm. Giá thuê đạt 558.000 VNĐ/m²/tháng giảm -3% theo quý và tăng 3% theo năm.
Hiệu suất hoạt động theo quý có xu hướng giảm nhẹ do áp lực từ FDI và thương mại. Hiệu suất theo năm có sự tăng trưởng, do mức đạt được thấp trong Q1/2022.
Trong Q1/2023, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, giảm -2% theo năm và vốn FDI đăng ký đạt 5,4 tỷ USD, giảm -39% theo năm. Số dự án FDI có quy mô lớn giảm đáng kể so với Q1/2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 60 tỷ USD, giảm -10% theo năm và kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, cũng có xu hướng giảm, giảm -13% theo năm.
Tình hình hoạt động của căn hộ dịch vụ phản ánh xu hướng giảm của thương mại và FDI. Hạng B là hạng duy nhất có công suất thuê cải thiện lên 84%. Căn hộ dịch vụ hạng B thường cung cấp nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn và dịch vụ tốt.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, cơ sở hạ tầng tiếp tục phát triển giúp cho các căn hộ dịch vụ được hưởng lợi do nhiều khách thuê thường sống ở Hà Nội và di chuyển đến các vùng công nghiệp xung quanh để làm việc. Đường vành đai 2 đã khánh thành đầu năm 2023, và hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 sẽ giúp cải thiện giao thông phía Tây Hà Nội.
Dưới những khó khăn kinh tế toàn cầu, dòng vốn FDI có thể sẽ chậm hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hạ lãi suất gần đây có thể giúp cải thiện thương mại và FDI. Mười chín dự án trong tương lai sẽ cung cấp 3.970 căn hộ dịch vụ từ năm 2023 trở đi.
Khu vực Nội thành sẽ cung cấp 3.289 căn hay 83% thị phần. Các đơn vị vận hành có thương hiệu sẽ chiếm 94% thị phần hay 3.732 căn; các thương hiệu bao gồm Ascott, Lotte, The Shilla, Pan Pacific, Wink, Hyatt và Hilton. Ba dự án với 453 căn dự kiến ra mắt trong năm 2023. Hai dự án có thương hiệu là Parkroyal Serviced Suites và L7 West Lake.
Khách sạn
Theo nhận định của Savills Việt Nam, trong quý 1/2023, nguồn cung đạt 10.260 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao, tăng 1% theo quý và theo năm. Khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera đóng cửa để đổi thương hiệu và sẽ mở cửa lại với tên gọi Waldorf Astoria vào năm 2025. Khách sạn 4 sao Movenpick Hà Nội đóng cửa để cải tạo. Công suất thuê đạt 58%, tăng 9 điểm % theo quý và 35 điểm % theo năm. Giá thuê trung bình và doanh thu phòng trung bình đều tăng, phản ánh nhu cầu gia tăng.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 2.900% theo năm lên 2,7 triệu lượt trong Q1/2023; tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn -40% so với mức 4,5 triệu trong Q1/2019. Khách quốc tế chủ yếu đến bằng đường hàng không (90% tương đương 2,4 triệu lượt), tăng 2.900% theo năm. Bảy mươi hai phần trăm hay 1,9 triệu du khách đến từ châu Á; có 385.100 lượt khách châu Âu, theo sau là khách châu Mỹ (263.900) và khách châu Đại Dương (104.700). Có 811.000 khách Hàn Quốc và 207.000 khách từ Mỹ.
Hà Nội đón 5,9 triệu lượt khách trong quý đầu năm, tăng 110% theo năm. Lượng khách nội địa đạt 4,9 triệu lượt, tăng 75% theo năm, trong khi lượng khách quốc tế đạt 979.000 lượt vượt xa Q1/2022. Khách lưu trú tăng 220% theo năm đạt 1,1 triệu lượt; 339.000 lượt khách lưu trú nội địa tăng 21% theo năm và 712.000 lượt khách lưu trú quốc tế tăng 1.400% theo năm.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam là Trung Quốc đã mở lại các tour du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3/2023. Khách du lịch Trung Quốc được kì vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành khách sạn. Năm 2023 dự kiến 2 dự án với 471 phòng sẽ gia nhập thị trường. Từ năm 2024 trở đi, dự kiến sẽ có 66 dự án với 11.123 phòng. Trong tổng số 68 dự án tương lai, khách sạn 5 sao chiếm 61% với 32 khách sạn. Các dự án đáng chú ý bao gồm L7 West Lake và Dusit Từ Hoa Palace tại quận Tây Hồ và Four Seasons tại quận Hoàn Kiếm.
Nhật Lâm