UBND TP Hà Nội mới phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, với kinh phí dự kiến trên 15.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững cho Thủ đô.





UBND TP Hà Nội mới phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên, với kinh phí dự kiến trên 15.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ góp phần giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu và thúc đẩy phát triển đô thị bền vững cho Thủ đô.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1850/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu. Dự án sẽ được triển khai từ năm 2025 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 5,15km, đi qua quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh, với diện tích sử dụng đất khoảng 62,71ha. Hướng tuyến xây dựng công trình từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Cụ thể, cầu Tứ Liên có vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) và điểm cuối là nút giao với trục TC13, huyện Đông Anh.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 15.000 tỷ đồng. Dự án thuộc nhóm A và công trình giao thông cầu đường bộ, đường trong đô thị, cấp công trình đặc biệt.
Cầu Tứ Liên có quy mô mặt cắt ngang chia thành hai đoạn tuyến. Cụ thể, cầu có mặt cắt ngang điển hình 43-44m, gồm 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp, tách nhập, lề đi bộ. Đường phía Nam cầu có mặt cắt ngang 48 m, gồm cầu dẫn, đường gom đô thị song hành và vỉa hè hai bên. Đường phía Bắc cầu có mặt cắt ngang 60 m. Về kết cấu, cầu Tứ Liên sẽ là cầu dây văng kết hợp văng xoắn, với kết cấu thép nhẹ, giúp tạo ra các nhịp lớn. Ngoài cầu chính vượt sông Hồng dài 1km, dự án còn bao gồm: Cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m; cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng 27,5-44m và cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m.
Các nút giao chính hai đầu cầu sẽ được thiết kế tối ưu nhằm đảm bảo kết nối giao thông hiệu quả. Tại nút giao với đường Nghi Tàm, cầu dẫn sẽ đi trên cao, kết hợp với đảo xuyên tại vị trí giao cắt và cầu dẫn kết nối giữa đê Nghi Tàm. Đường gom sẽ giao bằng với đường đê hiện hữu, đồng thời cửa khẩu đê Hữu Hồng sẽ được mở rộng để phù hợp với quy mô đường đầu cầu.
UBND TP Hà Nội kỳ vọng dự án sau khi hoàn thành sẽ cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Hồng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực, tạo tiền đề cho việc giãn dân số, giảm áp lực giao thông trong khu vực trung tâm và giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Nhật Tân, Thăng Long và Vĩnh Tuy. Dự án cũng góp phần hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và phát triển không gian đô thị hai bên sông Hồng.
UBND TP Hà Nội giao chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chuẩn xác của khối lượng, kinh phí; kết quả tính toán kết cấu và tính hợp pháp của hồ sơ trình phê duyệt; năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn lập dự án đầu tư; tính hợp lý của các giải pháp thiết kế trong thiết kế cơ sở.
Bên cạnh dự án cầu Tứ Liên, UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Quyết định số 1880/QĐ-UBND về việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua huyện Đông Anh. Theo Quyết định số 4530/QĐ-UBND ngày 29/8/2024, tuyến đường này kéo dài từ nút giao với Quốc lộ 3 mới đến nút giao với đường Võ Văn Kiệt và đoạn kéo dài đến đường Vành đai 4, tỷ lệ 1/500. Tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang từ 61m đến 68m với 6 làn xe cơ giới trên tuyến chính và 2 đường song hành.
Dự án này do UBND huyện Đông Anh làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 5.413 tỷ đồng, triển khai từ năm 2025 đến 2028. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của huyện Đông Anh, khép kín tuyến đường Vành đai 3 phía Bắc sông Hồng. Dự án đầu tư thuộc nhóm A và công trình giao thông cầu đường bộ, cấp công trình là cấp I.
Sau khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ trở thành cây cầu thứ 8 trong khu vực nội đô Hà Nội, kết nối trực tiếp các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ với các huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh. Cùng với tuyến đường Vành đai 3, dự án không chỉ giảm áp lực giao thông trong khu vực mà còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Quỳnh Nhi