Năm 2021, lợi nhuận tại loạt doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh, trong đó Coteccons (CTD) giảm lãi 93%; Vinaconex (VCG) lãi thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại,. Thậm chí, CII báo lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết.
Năm 2021, lợi nhuận tại loạt doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh, trong đó Coteccons (CTD) giảm lãi 93%; Vinaconex (VCG) lãi thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại,. Thậm chí, CII báo lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết.
Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xây dựng giảm sâu
Đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư vào tháng 4/2021 khiến hầu hết dự án đều phải dừng thi công vì giãn cách xã hội. Đồng thời, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng trong năm 2021 ước tăng 3,65% so với năm trước, chủ yếu do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng mạnh 30-40%; giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%...
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng báo lãi sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ.
Điển hình tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG), năm 2021 doanh nghiệp này chỉ ghi nhận lãi sau thuế hơn 531 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ và tương đương hơn 53% kế hoạch năm, lãi ròng còn vỏn vẹn 405,8 tỷ đồng, giảm 75%. Đây cũng là kết quả thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây của VCG.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tại VCG giảm do doanh thu thuần năm 2021 chỉ tăng hơn 3% lên 5.742 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận sụt giảm mạnh do lãi từ công ty liên kết trong năm 2021 chỉ thu về gần 246 tỷ đồng, trong khi năm 2020 VCG đã lãi hơn 2.805 tỷ đồng từ hoạt động này.
“Ông lớn” ngành xây dựng Coteccons (CTD) cũng không tránh khỏi tình trạng lợi nhuận giảm sâu. Năm 2021, công ty báo lãi 24 tỷ đồng, giảm 93%. Doanh thu thuần cả năm của công ty đạt 9 tỷ đồng, giảm 99,9%, chỉ riêng mảng xây dựng đã giảm gần 5.500 tỷ đồng so với năm 2020, đồng thời, chi phí nguyên vật liệu và nhân công tăng cao khiến công ty ghi nhận lỗ gộp. Song nhờ các khoản hoàn nhập chi phí công trình và hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình đã giúp công ty thoát lỗ.
Cả năm 2021, CTCP FECON (FCN) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 115 tỷ đồng, giảm 14%. Với kế hoạch doanh thu năm 2021 là 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 175 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 24% và 31% so với thực hiện năm trước. Như vậy, nhà thầu xây dựng này không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm mà chỉ đạt 65,6% kế hoạch lợi nhuận và 89% mục tiêu doanh thu.
Thê thảm hơn, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) báo lỗ ròng hơn 341 tỷ đồng (năm 2020 lãi 254 tỷ đồng), ghi nhận lần đầu tiên thua lỗ kể từ khi niêm yết (2006). Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty cũng âm gần 890 tỷ đồng.
Con số lỗ đậm của CII chủ yếu từ kết quả hoạt động kém khả quan trong quý 4. CII cho biết, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng một phần khoản đầu tư ở Công ty con và thu về 488 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. Tuy nhiên, do quy định của chế độ kế toán hiện hành, CII chưa được ghi nhận khoản lợi nhuận trên vào BCTC.
Hay như loạt doanh nghiệp xây dựng khác cũng báo lãi chuyển lỗ trong năm 2021: CTCP Sông Đà 10 (SDT) lỗ ròng 11,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 8 tỷ đồng; CTCP Lilama 45.3 (L43) lỗ ròng gần 10 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SDD) lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng;...
Gam màu sáng chiếm đa phần trong bức tranh toàn ngành
Doanh nghiệp xây dựng duy nhất đem về hơn nghìn tỷ đồng lãi ròng trong năm 2021 là Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE). Đây cũng là con số lãi ròng cao nhất từ trước đến nay mà đơn vị đạt được (1.855 tỷ đồng). REE cho biết, kết quả khả quan trên là nhờ mảng bất động sản, mảng năng lượng và hạ tầng nước hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp xây dựng khác cũng báo lãi năm 2021 hơn trăm tỷ đồng.
Đơn cử tại Thaiholdings (THD) trong năm 2021 đem về 8.249 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ 2020. Nhờ khoản doanh thu tài chính 1.080 tỷ đồng ghi nhận trong năm khiến cho lợi nhuận sau thuế đạt 1.157 tỷ đồng, tăng 5,8% so với số lãi 1.093 tỷ đồng đạt được năm 2020, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 947 tỷ đồng.
Hay như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) năm 2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.355 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm 2020, lợi nhuận gộp tăng 5%. Tuy nhiên nhờ tiết kiệm chi phí trong cả năm, lợi nhuận trước thuế của HBC tăng 30% đạt 148 tỷ đồng. Lũy kế cả năm thu về 92 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
So với kế hoạch năm 2021 là 13.500 tỷ doanh thu và 235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, Hòa Bình thực hiện lần lượt 84% và 40% mục tiêu.
Một trường hợp khác, nhờ doanh thu thuần tăng 40% và lợi nhuận từ hoạt động tài chính gấp 2,4 lần nên CTCP Bamboo Capital (BCG) báo lợi nhuận sau thuế đạt gần 973 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ.
Đặc biệt, nhờ thanh lý các khoản đầu tư, bán các khoản đầu tư trong danh mục chứng khoán kinh doanh giúp lợi nhuận của Louis Capital (HOSE: TGG) quý cuối năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Kết quả, TGG thu về gần 92 tỷ đồng lãi ròng trong khi năm 2020 lỗ gần 44 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) là đơn vị có lãi ròng tăng mạnh nhất, đạt hơn 95 tỷ đồng trong khi năm 2020 chưa tới 1 tỷ đồng.
Giới chuyên gia dự báo nhóm doanh nghiệp xây dựng sẽ tăng tốc trở lại nhờ loạt yếu tố tích cực tác động trong năm 2022 sau thời gian kìm nén quá lâu do giãn cách kéo dài.
VNDirect dự báo giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 sẽ tăng 15-25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ 4 yếu tố chính. Thứ nhất, nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới. Thứ hai, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm 2022. Thứ ba, thực tế giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ở mức thấp, chỉ đạt 85-95% kế hoạch cả năm. Cuối cùng, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã hoàn thành công tác chuẩn bị, giải phóng mặt bằng và sẽ bắt đầu thi công các hạng mục chính vào năm 2022.
Điều này kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng trong năm 2022.
Tuy nhiên, về cơ bản, sau đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh “cú hích” đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng hưởng lợi nhưng chỉ tập trung ở các “ông to”, còn nhóm doanh nghiệp yếu lợi thế tài chính sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Hoàng Long/Theo Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/doanh-nghiep-xay-dung-nam-2021-ong-lon-nganh-ngam-ngui-lai-giam-day-tham-chi-thua-lo-d131624.html