"Ông lớn" hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã: HHV), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã: VGT),... ước tính lợi nhuận quý 3/2024 và 9 tháng đầu năm nay tăng nghìn tỷ đồng.
"Ông lớn" hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã: HHV), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (mã: VGT),... ước tính lợi nhuận quý 3/2024 và 9 tháng đầu năm nay tăng nghìn tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số công ty lớn trên sàn chứng khoán cũng đã “hé lộ” tình hình kinh doanh quý 3/2024 và 9 tháng đầu năm 2024.
Điển hình tại CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã: HHV) vừa công bố ước tính lợi nhuận quý 3/2024 và 9 tháng đầu năm nay. Cụ thể, kết quả doanh thu hợp nhất quý 3/2024 dự kiến đạt 773 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với mức tăng 15%.
Đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong doanh thu và sự tăng trưởng là hoạt động thu phí BOT và thi công xây lắp. Chi tiết, doanh thu thu phí BOT ước đạt 471 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Doanh thu doanh hoạt động xây lắp ước đạt 250 tỷ đồng, chiếm 32% tổng doanh thu quý 3/2024.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của HHV ước đạt 2.277 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 361 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 25% và 17% so với cùng kỳ năm. Với kết quả này, HHV dự báo đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Trước đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – mã: VGT), trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất khoảng 13.036 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ, thực hiện được 73% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế khoảng 490 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, thực hiện được 89% so với mục tiêu năm đặt ra.
Tính riêng lợi nhuận quý 3/2024, Vinatex ước đạt 5.082 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế khoảng 207 tỷ đồng, tăng 80% so với quý 3/2023.
Vinatex hiện là "anh cả" của ngành dệt may Việt Nam. Tính đến ngày 30/6, Tập đoàn có 34 công ty con cấp 1, công ty con cấp 2 và công ty con cấp 3 và 31 công ty liên kết.
Đặc biệt, tại buổi làm việc của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày 30/09, ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã: GVR) cho biết: 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất Tập đoàn ước đạt 16.207 tỷ đồng, đạt 64,8% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt ước đạt 2.850 tỷ đồng và 2.386 tỷ đồng, đồng loạt đạt 69% kế hoạch năm.
Tính riêng lợi nhuận quý 3/2024, lãi sau thuế tại GVR ước đạt 801 tỷ đồng, tăng 62% so với quý 3/2023. GVR ước tính cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất có thể đạt 26.307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.746 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng hé lộ kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024.
Đơn cử tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP), trong tháng 8/2024, công ty ghi nhận 177 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với tháng trước (159 tỷ đồng) nhưng chậm lại so với cùng kỳ do nền kết quả tháng 8/2023 cao. Trừ hết các chi phí, Imexpharm báo lãi trước thuế 28 tỷ đồng.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, doanh thu công ty đạt 1.344 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, kênh ETC (đấu thầu bệnh viện) tăng 54%, kênh OTC (bán lẻ ở tiệm thuốc) giảm 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế công ty đạt 213 tỷ đồng, giảm 18% so với 8 tháng đầu năm 2023.
Imexpharm dự báo, doanh số bán hàng có xu hướng tăng cao vào quý cuối cùng của năm nên công ty tự tin hoàn thành kế hoạch doanh thu đặt ra.
Còn tại CTCP Tập đoàn Thiên Long (Mã: TLG), trong tháng 8/2024 ghi nhận 275 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 25 tỷ đồng, giảm 10% so với tháng 8/2023.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, doanh thu tại Thiên Long đạt 2.558 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp được cải thiện đáng kể, đạt 45,7% trong khi cùng kỳ chỉ dừng ở mức 43,7%. Do vậy, Thiên Long báo lãi sau thuế 382 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng. Như vậy, Thiên Long thực hiện được 67% mục tiêu doanh thu, vượt nhẹ kế hoạch lợi nhuận năm sau 8 tháng.
Một doanh nghiệp bán lẻ lĩnh vực trang sức như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay ghi nhận 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 27% với cùng kỳ, thực hiện được 72% kế hoạch năm.
Lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ, thực hiện 61% mục tiêu năm đặt ra. Tính riêng tháng 8/2024, doanh thu PNJ ước đạt 2.245 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế khoảng 63 tỷ đồng.
Còn tại CTCP FPT (Mã: FPT), doanh thu trong 8 tháng năm 2024 đạt 39.664 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 7.077 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,8% và 19,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 5.007 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 61.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng. Như vậy, sau 8 tháng, FPT thực hiện được hơn 64% chỉ tiêu doanh thu và 65% lợi nhuận năm.
Đặc biệt, 8 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ước lãi trước thuế hơn 35.500 tỷ đồng, vượt 61% kế hoạch năm đặt ra. Tổng doanh thu PVN ước đạt 650.400 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 8, doanh thu tập đoàn khoảng 83.000 tỷ đồng, lãi trước thuế hơn 5.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp khác công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024 như PV Power, Biwase,...
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố dự báo KQKD các ngành và doanh nghiệp trong quý 3/2024 với nhận định lợi nhuận toàn thị trường có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt mức tăng 19,5% so với cùng kỳ, hỗ trợ bởi môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi.
Theo đó, lợi nhuận ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ. Các ngành đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật gồm bán lẻ (+381%), năng lượng (+321%), bất động sản khu công nghiệp (+169%) từ nền thấp cùng kỳ.
Một số ngành ước tính tăng trưởng lợi nhuận giảm như bất động sản (-3%) do còn thiếu vắng các dự án mở bán hay dầu khí (-11%) do kết quả kém tích cực ở nhóm doanh nghiệp hạ nguồn.
Lê Thanh