Techcombank và MSB là 2 ngân hàng có tiếng trong việc cho vay bất động sản.
Techcombank và MSB là 2 ngân hàng có tiếng trong việc cho vay bất động sản.
Đâu là "quán quân" cho vay kinh doanh bất động sản?
Vài năm gần đây, bất động sản luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp loại vào nhóm tín dụng có rủi ro cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Cơ quan quản lý tiền tệ luôn dùng các biện pháp để kiểm soát dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2021, nhiều ngân hàng đã giảm dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản. Tại LienVietPostBank, dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 52% trong nửa đầu năm nay, xuống 1.672 tỷ đồng. Theo đó, tỷ trọng của dư nợ cho vay bất động sản chỉ còn 0,87%. Dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản trong nửa đầu năm 2021 của ABBank giảm 13%, xuống 2.694 tỷ đồng,...
Ở chiều ngược lại, cho vay kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng vẫn tăng trưởng khá mạnh.
Điển hình tại Techcombank, tính đến thời điểm 30/6/2021, nhà băng này đang dẫn đầu về cả số dư và tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản, lần lượt ở mức gần 101.489 tỷ đồng và chiếm hơn 33% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ. Đáng nói, số dư nợ này tăng 11% trong 6 tháng qua, tương đương tăng hơn 10.128 tỷ đồng.
Ngoài Techcombank, ngân hàng MSB cũng là nhà băng ghi nhận dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng qua.
Cụ thể, chỉ sau 6 tháng đầu năm 2021, MSB cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng gần 12.758 tỷ đồng, tăng vọt 41% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng hơn 14% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ.
Trong khi đó, riêng năm 2020, MSB là ngân hàng có tỷ lệ giảm mạnh nhất khi đưa tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản giảm từ 24% xuống 11%.
Thực tế, cả Techcombank và MSB đều có tiếng trong cho vay kinh doanh bất động sản khi tệp khách hàng của nhà băng này chủ yếu là nhóm “đại gia” bất động sản và đứng sau hỗ trợ vốn cho các dự án rất lớn.
Dư nợ cho vay bất động sản tại ngân hàng đã chính xác?
Đáng chú ý, kinh doanh bất động sản chỉ là một phần trong tổng dư nợ các ngân hàng cho vay với khách hàng có liên quan lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, số này bao gồm cả xây dựng, kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở khác…
Nếu tính cả dư nợ các lĩnh vực này, tỷ trọng cho vay liên quan bất động sản tại các nhà băng mà điển hình tại Techcombank và MSB đều lớn hơn rất nhiều con số trên báo cáo tài chính.
Như Techcombank, tại báo cáo tài chính công ty mẹ quý 2 năm 2021 (đã soát xét), nếu gộp cả dư nợ trong lĩnh vực xây dựng và cá nhân (khoảng 80% là cho vay mua nhà để ở), tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản của Techcombank tính đến cuối quý 2/2021 có thể lên tới hơn 200.000 tỷ, tăng khoảng 17% so với đầu năm.
Tương tự tại MSB, tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng chiếm hơn 14% dư nợ ngân hàng mẹ, tương đương gần 12.758 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng này còn hơn 9.424 tỷ đồng dư nợ trong lĩnh vực xây dựng đến cuối quý 2/2021, chiếm hơn 10% tổng dư nợ.
Con số này nâng tổng dư nợ cho vay liên quan bất động sản tại MSB lên mức hơn 22.182 tỷ, tương đương tăng 36% so với đầu năm.
Đáng chú ý, ngoài nguồn tín dụng thông qua cho vay, các ngân hàng còn một kênh rót vốn cho lĩnh vực bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Dù ghi nhận tăng mạnh trong năm 2020 và 8 tháng đầu năm 2021 nhưng tỷ trọng dư nợ qua kênh trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản vẫn chiếm phần nhỏ so với dư nợ qua kênh cho vay của ngân hàng.
Theo Hà Phương - Huy Tùng/Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/dau-la-con-so-that-ve-cho-vay-bat-dong-san-tai-ngan-hang-626457.html