Bất động sản Biz

Đặt mục tiêu lãi tăng bằng lần trong năm 2022, CEO Group đang có những 'vũ khí' nào?

Thứ hai, 25/04/2022 | 06:55 Theo dõi BĐS Biz trên

Có thể thấy, hầu hết các dự án CEO Group đang triển khai và chuẩn bị triển khai đều đã “về tay” doanh nghiệp từ khá lâu. Qua thời gian dài “ôm đất”, đến nay những quỹ đất này mới chuẩn bị được tung ra thị trường trong bối cảnh diễn biến giá bất động sản thời gian qua liên tục tăng mạnh.

CEO Group đặt mục tiêu lãi tăng “bằng lần” trong năm 2022

Chấm dứt thời kỳ thua lỗ kéo dài, năm 2022, Tập đoàn CEO Group đặt kế hoạch kinh doanh tăng mạnh với mức doanh thu, lợi nhuận tăng “bằng lần” so với thực hiện trong năm qua. Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của CEO Group, trong năm nay doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,4 lần và gần 3,7 lần kết quả thực hiện năm 2021.

BCTC CEO Group cho thấy, trong năm 2021, doanh nghiệp này đem về gần 902 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 32% so với năm trước. Song, nhờ khoản lãi từ đầu tư tài chính trong quý IV, CEO Group đã thoát lỗ sau 4 quý liên tiếp kinh doanh kém hiệu quả. Cụ thể, LNST của doanh nghiệp đạt hơn 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 103 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu chỉ xét hoạt động kinh doanh chính (doanh thu thuần – giá vốn hàng bán – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), thì lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính năm 2021 của CEO âm 78,9 tỷ đồng. Điều này cho thấy tình hình kinh doanh trong lĩnh vực cốt lõi của CEO vẫn chưa được cải thiện là bao.

Trước đó, do doanh thu từ mảng bất động sản giảm mạnh nên CEO Group thường xuyên thua lỗ nặng. Theo đó, quý 3/2021 CEO Group lỗ ròng hơn 34 tỷ đồng; quý 2/2021 lỗ gần 127 tỷ đồng; quý 1/2021 lỗ 38 tỷ đồng; quý 4/2020 lỗ 580 triệu đồng.

Liên tục chìm trong thua lỗ, vậy động lực nào giúp CEO Group đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm nay?

Tính tới ngày 31/12/2021, chi phí xây dựng dở dang dài hạn của CEO là 2.121 tỷ đồng, chủ yếu tập trung tại dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City với giá trị 2.048,9 tỷ đồng, còn lại là dự án Khu du lịch Green Hotel & Resort với giá trị 51 tỷ đồng và các dự án khác.

Kế hoạch kinh doanh của CEO Group năm 2022. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ CEO Group năm 2022. 
Kế hoạch kinh doanh của CEO Group năm 2022. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ CEO Group năm 2022. 

Năm vừa qua, doanh nghiệp này cho biết đã tập trung triển khai các dự án trọng điểm đáp ứng tiến độ công tác kinh doanh và bàn giao cho khách hàng. Đồng thời, nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho các dự án trọng điểm.

Năm 2022, CEO Group sẽ tập trung triển khai các dự án như CEOHomes Hana Garden City tại Hà Nội, Sonasea Residences tại Phú Quốc, đáp ứng tiến độ công tác kinh doanh theo kế hoạch. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tiện ích và thi công xây dựng các hạng mục/sản phẩm tại dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City, trong đó tập trung triển khai sản phẩm Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục các dự án BĐS nghỉ dưỡng khác để chuẩn bị thi công và kinh doanh khi điều kiện thuận lợi.

Đáng chú ý, hầu hết các dự án CEO Group đang triển khai và chuẩn bị triển khai đều đã “về tay” doanh nghiệp từ khá lâu. Qua thời gian dài “ôm đất”, đến nay những quỹ đất tại một số dự án này mới chuẩn bị được tung ra thị trường trong bối cảnh diễn biến giá bất động sản thời gian qua liên tục tăng mạnh.

CEO Group đang “ôm” những dự án nào?

Trong đó, dự án CEOHomes Hana Garden City tại Mê Linh, Hà Nội (còn gọi là dự án khu đô thị CEO Mê Linh) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho CEO Group làm chủ đầu tư vào ngày 29/02/2008 (trước thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội gần 6 tháng) với diện tích 202.056m2, toạ lạc tại địa bàn các xã Mê Linh, Đại Thịnh, Tráng Việt, Văn Khê.

Theo giới thiệu, Ceohomes Hana Garden City Mê Linh là khu phức hợp khép kín bao gồm biệt thự, liền kề, nhà phố kinh doanh shophouse được đồng bộ hệ thống tiện ích tiêu chuẩn đáp ứng mọi nhu cầu về cuộc sống tiện nghi của cộng đồng cư dân tri thức. Là tổ hợp dự án siêu cao cấp với gần 1000 căn hộ biệt thự liền kề với nhiều loại diện tích. Thế nhưng sau đó dự án đã bị bỏ hoang hàng chục năm.

Đến năm 2019, dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh được Thành phố tiến hành thanh kiểm tra và đã có Kết luận Thanh tra số 2991/KL-STNMT-TTr ngày 4/12/2019. Kết luận thanh tra nêu rõ: Dự án chưa được giao đất, chậm GPMB. Hiện tại, dự án chưa GPMB và đang tiến hành công tác điều tra, quy chủ lập hồ sơ GPMB.

Phối cảnh dự án Ceohomes Hana Garden City Mê Linh. Nguồn: CEO Group. 
Phối cảnh dự án Ceohomes Hana Garden City Mê Linh. Nguồn: CEO Group. 

Thông tin về dự án này, mới đây CEO cho biết, từ năm 2020 đã tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý quan trọng cho dự án CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh, Hà Nội. Dự án đã có quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Dự kiến trong quý 4/2021 toàn bộ dự án này sẽ đưa vào kinh doanh.

Thực tế từ cuối năm 2021, trên thị trường xuất hiện nhiều tin rao bán, nhận đặt cọc bán đất nền tại dự án CEOHomes Hana Garden. Tuy nhiên, trên website chính thức của chủ đầu tư vẫn chưa công bố thông tin mở bán dự án.

Tương tự, tại dự án Seven Star tại lô đất vàng D27 Cầu Giấy - Hà Nội, sau hơn chục năm, có nhiều nghi vấn đặt ra là CEO Group đã “đánh rơi” dự án này.

Cụ thể, Seven Star nằm trong lô đất rộng 2,2ha được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty cổ phần đầu tư CEO thực hiện dưới hình thức BT từ năm 2011, CEO Group góp vốn khoảng 25% tại dự án này.

Theo dự kiến ban đầu của CEO Group, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên, sau đó dự án đắp chiếu kéo dài, thậm chí, trong Báo cáo tài chính của CEO Group từ năm 2013 trở đi, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được đầu tư.

Tại ĐHCĐ năm 2017, trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Seven Star, CEO Group cho biết, dự án không còn thực hiện theo hình thức BT, bởi vậy liên doanh vẫn đang nghiên cứu, tìm hướng triển khai dự án. Từ đó tới nay, CEO Group không nhắc tới lô đất này nữa.

Tại Nha Trang - Khánh Hoà, CEO Group cũng có quỹ đất 7,9ha tại Bãi Dài, Nha Trang, Khánh Hòa (dự án Sonasea Nha Trang). Khu đất này, CEO dự kiến sẽ xây dựng dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Nha Trang, doanh nghiệp kỳ vọng đưa dự án này trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu.

Trên website của Tập đoàn CEO giới thiệu Sonasea Nha Trang sẽ gồm các biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, căn hộ condotel tiêu chuẩn 5 sao và nhà phố thương mại. Với chuỗi các công trình tiện ích đa dạng như bể bơi, công viên giải trí, nhà hàng, Pool bar… với kì vọng biến nơi đây thành điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu, quản lí bởi Accor (Pháp), Best Western (Mỹ)…

Phối cảnh dự án Sonasea Nha Trang. Nguồn: CEO Group.
Phối cảnh dự án Sonasea Nha Trang. Nguồn: CEO Group.

Tuy nhiên CEO cũng gặp khó tại dự án khi dự án chậm tiến độ kéo dài so với cam kết. Đến nay, dự án vẫn là bãi đất cát hoang hóa, bốn bề vây tôn, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành xây dựng nhà điều hành ban quản lý và đang triển khai san nền dự án với tổng giá trị đã thực hiện khoảng 30 tỷ đồng….

Tại Phú Quốc, CEO có mặt, đầu tư từ rất và được coi là thị trường thành công nhất của doanh nghiệp. Ngoài quỹ đất sẵn có, năm 2016, CEO Group thông tin đã thực hiện M&A, thâu tóm thành công thêm hai dự án tại Phú Quốc, nâng tổng quỹ đất của Tập đoàn tại Đảo Ngọc từ 300 ha lên hơn 450 ha.

Tuy nhiên sau đó, việc triển khai dự án trên quỹ đất này không được doanh nghiệp công bố. Sau 6 năm kể từ 2016 đến nay, doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung triển khai dự án Sonasea Residences Phú Quốc cùng một số dự án khác trong năm nay.

Tại Vân Đồn, dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City của CEO Group được doanh nghiệp nhận chuyển nhượng từ Công ty Bảo Nguyên vào năm 2017 với diện tích ban đầu hơn 100ha. Sau khi thâu tóm thành công quỹ đất này, CEO Group tiếp tục xin tỉnh Quảng Ninh tăng quy mô đất làm dự án lên tới 358,35ha với định hướng phát triển khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản và đô thị nhà ở.

Đến ngày 11/4/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City. Đến nay, sau 5 năm về tay CEO Group, doanh nghiệp vẫn đang triển khai dự án này với giá trị xây dựng dở dang tính đến cuối năm 2021 là 2.048,9 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 6/2021, ban lãnh đạo CEO cho thấy kỳ vọng lớn vào nguồn thu, đặc biệt với dự án trọng điểm tại Mê Linh và dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Vân Đồn…

Doanh nghiệp cố tình làm dự án chậm, "ôm đất" chờ tăng giá?

Trước những vấn đề nhức nhối liên quan đến các dự án bất động sản chậm tiến độ nhưng không được xử lý, khó xử lý, khó thu hồi, tại kỳ họp chuyên đề vừa qua, UBND TP Hà Nội đánh giá, trên địa bàn TP còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Một số nhà đầu tư có biểu hiện giữ đất, không thực hiện các thủ tục để triển khai. Một số dự án phát triển nhà ở thương mại, xây dựng đô thị mới đã thực hiện huy động vốn từ các đối tác tham gia hoặc từ người mua nhà nhưng chậm triển khai, không bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, trong một sự kiện do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng mặc dù nhiều trường hợp thời gian triển khai dự án, sử dụng quỹ đất chậm do thủ tục nhưng cũng có tình trạng những doanh nghiệp để đất từ năm 2012 đến giờ mới triển khai.

Đặc biệt có doanh nghiệp đặt mục tiêu làm thủ tục dự án càng chậm càng tốt để đợi giá đất lên rồi bán sản phẩm thương mại. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mua đất 1.500 tỷ đồng nhưng sẵn sàng nộp phạt 1.200 tỷ đồng.

CEO Group sở hữu quỹ đất lớn tại Phú Quốc khá sớm, nhưng nhiều dự án vẫn chưa triển khai. Ảnh: Phối cảnh dự án Sonasea Residences Phú Quốc, dự kiến sẽ triển khai trong năm nay. 
CEO Group sở hữu quỹ đất lớn tại Phú Quốc khá sớm, nhưng nhiều dự án vẫn chưa triển khai. Ảnh: Phối cảnh dự án Sonasea Residences Phú Quốc, được CEO xác định là dự án trọng điểm đầu tư trong năm nay.

Ở góc độ khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cũng có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng “chống lưng” để phát hành trái phiếu và dùng nguồn tiền đó để gom đất, thay vì phát triển dự án sẵn có. "Đi mua đất, gom đất, gom tài nguyên chính là tự diễn biến, tự chuyển hóa của doanh nghiệp. Người ta nói cuộc chiến giành đất đai như thế hệ cuối cùng của nền kinh tế này nên phải đi mua gom…”. TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm.

Trở lại câu chuyện của Ceo Group, dù sở hữu trong tay quỹ đất lớn từ khá sớm, nhưng số lượng dự án doanh nghiệp phát triển thành công và đưa ra thị trường không nhiều. Trong khi “ôm” đất chậm triển khai, doanh nghiệp vẫn không ngừng thực hiện các thương vụ M&A, thâu tóm và mở rộng quỹ đất…

Trong kế hoạch hoạt động năm nay, cùng với hoạt động đầu tư, triển khai một số dự án đã nêu trên, doanh nghiệp cho biết sẽ tiến hành hoàn thiện thủ tục các dự án BĐS nghỉ dưỡng khác để chuẩn bị thi công và kinh doanh khi điều kiện thuận lợi.

Yếu tố thuận lợi nhất đối với CEO Group hiện nay có lẽ là đã gom được quỹ đất lớn từ rất sớm và khi giá còn khá rẻ, sau hàng chục năm mới “bung” ra thị trường trong bối cảnh giá nhà đất tăng mạnh, thậm chí tăng bằng lần so với thời điểm ban đầu…

Bình Nguyên/Theo Sở hữu trí tuệ

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/dat-muc-tieu-lai-tang-bang-lan-trong-nam-2022-ceo-group-dang-co-nhung-vu-khi-nao-d138580.html

Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội được dự báo sẽ tăng liên tục đến năm 2026

Giá căn hộ chung cư ở Hà Nội được dự báo sẽ tăng liên tục đến năm 2026

Dự đoán giá bán sơ cấp tại Hà Nội và TP HCM tiếp tục tăng, do thị trường dự kiến đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt tại Hà Nội, giá bán sẽ tiếp tục tăng 10% trong 2024 và liên tục tăng khoảng 3% mỗi năm trong các năm 2025 và 2026.
Đua nhau mua bất động sản ở nước ngoài, giới nhà giàu Việt đang “khát” dự án “vừa túi tiền”?

Đua nhau mua bất động sản ở nước ngoài, giới nhà giàu Việt đang “khát” dự án “vừa túi tiền”?

Vài năm trở lại đây, nhất là sau khi Covid xảy ra, ngày càng nhiều người siêu giàu Việt Nam chi tiền mua bất động sản nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, hiện nay thị trường trong nước đang “khát” dự án phục vụ giới thượng lưu.
Quảng Nam kiến nghị “gỡ khó” cho loạt dự án bất động sản chậm triển khai

Quảng Nam kiến nghị “gỡ khó” cho loạt dự án bất động sản chậm triển khai

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV xem xét các hướng xử lý đối với dự án bất động sản, trong đó có hàng chục dự án đến nay vẫn chưa xác định được giá đất.
Tin bất động sản tuần qua: Trà Vinh tìm chủ đầu tư cho khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng

Tin bất động sản tuần qua: Trà Vinh tìm chủ đầu tư cho khu đô thị hơn 3.000 tỷ đồng

Lào Cai bổ sung khu công nghiệp 1.000 ha vào quy hoạch; Đề nghị tập trung giải quyết kiến nghị về các dự án của Công ty Bách Đạt An; Lạng Sơn phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Mỹ Sơn hơn 1.000 tỷ đồng...
Nhà ở xã hội 'ế' vì chủ đầu tư chọn sai địa điểm xây dựng

Nhà ở xã hội "ế" vì chủ đầu tư chọn sai địa điểm xây dựng

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, trong giai đoạn thực thi Luật Nhà ở 2014, một số chủ đầu tư đã chọn xây dựng nhà ở xã hội ở vị trí khá xa trung tâm của tỉnh, thành phố, không có đủ dịch vụ, tiện ích...
Luật Đất đai năm 2024: Quy định về xử lý diện tích đất thực tế chênh lệch với sổ đỏ

Luật Đất đai năm 2024: Quy định về xử lý diện tích đất thực tế chênh lệch với sổ đỏ

Luật Đất đai số 31 2024 QH15 quy định xử lý diện tích đất thực tế chênh lệch trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Điều 135).
Tin bất động sản ngày 22/3: Đồng Nai dành hơn 1.000ha đất để làm nhà ở xã hội

Tin bất động sản ngày 22/3: Đồng Nai dành hơn 1.000ha đất để làm nhà ở xã hội

Nghệ An tìm chủ đầu tư cho Dự án Khu đô thị gần 6.300 tỷ đồng; Loạt dự án chung cư Hà Nội tăng 20% giá trong 2 tháng đầu năm;Bình Định sắp có thêm khu công nghiệp rộng hơn 450 ha…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tin bất động sản ngày 21/3: Dự án Cocobay Đà Nẵng chưa chuyển đổi loại hình căn hộ

Tin bất động sản ngày 21/3: Dự án Cocobay Đà Nẵng chưa chuyển đổi loại hình căn hộ

Giá nhà đất tại huyện Bảo Lâm đã giảm dần từ năm 2022 đến nay; Liên danh nào muốn đầu tư dự án khu đô thị hơn 500 tỷ tại Hải Phòng; Thái Nguyên mời gọi đầu tư dự án khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Bất động sản Biz