Mới đây, Công ty CP Sông Đà 2 có văn bản giải trình số 405/CT-TCKT về việc giải trình ý kiến ngoại trừ của Kiểm toán trên báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2023 sau khi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (kiểm toán AASC) đưa ra 5 ý kiến ngoại trừ.
Mới đây, Công ty CP Sông Đà 2 có văn bản giải trình số 405/CT-TCKT về việc giải trình ý kiến ngoại trừ của Kiểm toán trên báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2023 sau khi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (kiểm toán AASC) đưa ra 5 ý kiến ngoại trừ.
Theo đó, phía kiểm toán AASC cho biết, do đơn vị không có đủ thông tin cần thiết để xem xét khả năng thu hồi đối với một số khoản công nợ phải thu của Sông Đà 2 bao gồm: "Chi nhánh Sông Đà 406 - Công ty CP Sông Đà 4 số tiền là 26,69 tỷ", "Chi nhánh Sông Đà 603 - Công ty CP Sông Đà 6 số tiền là 8,93 tỷ đồng", "Chi nhánh Sông Đà 307 - Công ty CP Sông Đà 3 số tiền là 1,64 tỷ đồng", "Ban điều hành dự án thủy điện Xekaman 1 số tiền là 0,87 tỷ đồng", "Công ty CP thủy điện Sông Đà Tây Nguyên 25,99 tỷ đồng...
Đối với các khoản, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Công trình thủy điện Xekaman 1 số tiền 25,96 tỷ đồng và Công trình Cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi số tiền là 8,11 tỷ đồng, tổ chức kiểm toán AASC cho rằng đã thực hiện các thủ tục soát xét cần thiết nhưng vẫn không thể đánh giá tổn thất (nếu có) của các khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang này tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
Tổ chức kiểm toán AASC chưa xác định được liệu có cần phải điều chỉnh chỉ tiêu "hàng tồn kho" cũng như các chỉ tiêu liên quan trên báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ kèm theo hay không.
Về hai ý kiến loại trừ trên Sông Đà 2 đã đưa ra giải trình: Đối với các khoản phải thu, đây là các khoản phải thu liên quan đến việc thi công Công trình Thủy điện Xekaman 1, trong đó Tổng Công ty Sông Đà - Công ty CP là nhà thầu chính, công ty và các đơn vị thành viên (Ban điều hành dự án Thủy điện Xekaman 1 Công ty CP Sông Đà 3, Công ty CP Sông Đà 4, Công ty CP Sông Đà 6... là nhà thầu phụ cho Tổng công ty, nội dung phải thu liên quan đến cấp phối đá dăm, cát nhân tạo, cốt liệu... để các nhà thầu phụ này thi công.
Hiện tại, Tổng Công ty Sông Đà đang hướng dẫn các đơn vị liên quan tổng hợp hồ sơ quyết toán để gửi cho chủ đầu tư xem xét trong quá trình hoàn tất quyết toán dự án. Trong thời gian này, chủ đầu tư sẽ giữ lại các khoản nợ với tổng thầu và nhà thầu thi công cho đến khi quyết toán hoàn thành. Do đó, giữa Tổng Công ty và các đơn vị trên đã thỏa thuận rằng các khoản nợ phải thu sẽ được thanh toán trong vòng 45 ngày kể từ ngày các đơn vị thanh toán.
Đối với Công ty CP Sông Đà Tây Nguyên, họ có nợ phải thu từ khối lượng lắp đặt Công trình Thủy điện Hà Tây. Hiện tại, do Công ty CP Sông Đà Tây Nguyên đang gặp khó khăn, họ chưa thể thanh toán các khoản nợ như đã thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên, đã có một biên bản làm việc về thanh toán nợ, trong đó Công ty CP Sông Đà Tây Nguyên cam kết sẽ thanh toán trong vòng 60 ngày sau khi phương án tái cấu trúc được phê duyệt.
Đối với dự án "Công trình Đà Nẵng - Quảng Ngãi", đang trong giai đoạn quyết toán và đồng thời đang có đoàn kiểm tra của nhà nước, dẫn đến việc quyết toán trễ tiến độ.
Tổ chức kiểm toán AASC đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về khoản nợ đối với các đơn vị thi công vượt hạn ngạch trong dự án, với số tiền là 17,89 tỷ đồng và 18,44 tỷ đồng. Tổ chức kiểm toán không có đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp của các khoản công nợ này.
Về các khoản phải thu ngắn hạn, đối với Công ty TNHH Sae Han Ascon Vina và Công ty Đầu tư phát triển TPT, có tổng giá trị lần lượt là 164,34 triệu đồng và 262,0 triệu đồng. Tổ chức kiểm toán AASC cho biết họ không có đủ bằng chứng kiểm toán để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ này.
Ngoài ra, các số liệu liên quan đến khoản phải thu, tài sản, nợ phải trả và cơ cấu nguồn vốn của Công ty Sông Đà 2 cũng đã được trình bày. Tuy nhiên, Tổ chức kiểm toán AASC cho biết họ không thể thu thập đầy đủ thông tin và bằng chứng kiểm toán cần thiết để đánh giá tính chính xác và đầy đủ của các số liệu này.
Công ty Sông Đà 2 đã giải thích rằng ý kiến ngoại trừ của Tổ chức kiểm toán AASC liên quan đến công ty con Sông Đà 2 (Công ty TNHH MTV Sông Đà 2 E&C) do không thể thu thập đủ thông tin và bằng chứng kiểm toán từ các bên liên quan. Để giải quyết vấn đề này, công ty con sẽ tiếp tục làm việc để thu thập thông tin và có biện pháp thu hồi các khoản nợ hiện có.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2023 của Sông Đà 2. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 57,1 tỷ đồng bằng 64% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 4,8 tỷ đồng đạt 59% so với cùng kỳ; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 2,4 tỷ đồng, sau khi giảm trừ các khoản chi phí lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 116 triệu đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Sông Đà 2 là hơn 453 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn là 430 tỷ và 23,2 là tài sản dài hạn. Về tài sản ngắn hạn của Sông Đà 2 chiếm đa số là các khoản phải thu ngắn hạn 252,8 tỷ và hàng tồn kho là 162,5 tỷ, các khoản tiền và các khoản tương đương tiền là 11 tỷ, còn lại tài sản ngắn hạn khác là 4,4 tỷ.
Trong số 23,2 tỷ đồng tài sản dài hạn chiếm 17,5 tỷ đồng là tài sản cố định, số còn lại là tài sản dài hạn khác 3,4 tỷ, đầu tư tài chính dài hạn 600 triệu.
Cơ cấu nguồn vốn của Sông Đà 2 nghiêng về nợ phải trả chiếm 274,8 tỷ, trong đó nợ ngắn hạn là 272 tỷ, nợ dài hạn 1,9 tỷ; trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 178 tỷ chủ yếu là vốn góp của các cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu SD2 của Công ty Cổ phần Sông Đà 2 giao dịch ở mức 5.200đ/cp, giảm 300đ/cp so với phiên giao dịch ngày 25/8. Hiện cổ phiếu SD2 cũng đang bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4/2023.
Công ty Cổ phần Sông Đà 2 (SD2) - địa chỉ: Km 10 - Đường Nguyễn Trãi - P. Văn Quán - Q. Hà Đông - TP Hà Nội, tiền thân là Công ty Xây dựng Dân Dụng thuộc Tổng Công ty Sông Đà được thành lập năm 1980. Năm 2006, Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là Công ty Cổ phần. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây lắp các công trình thủy điện, nhiệt điện, dân dụng.
Huy Tùng