6 tháng đầu năm 2023, phần lớn các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu môi giới chứng khoán lại sụt giảm nghiêm trọng.
6 tháng đầu năm 2023, phần lớn các công ty chứng khoán đều ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng so với đầu năm. Trong khi đó, doanh thu môi giới chứng khoán lại sụt giảm nghiêm trọng.
Cho vay ký quỹ (cho vay margin) là mảng nghiệp vụ quan trọng của nhóm chứng khoán, lãi từ hoạt động này thậm chí còn là nguồn thu lớn nhất đối với nhiều công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nguồn thu này lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố không dễ đoán định như diễn biến thị trường, tâm lý nhà đầu tư hay lãi suất,…
Tính đến thời điểm 30/6/2023, dư nợ cho vay của Chứng khoán VPS dẫn đầu về đà tăng trưởng với quy mô lên đến gần 10.800 tỷ đồng. Trong đó dư nợ margin ở mức hơn 10.200 tỷ đồng, tăng gần 3.200 tỷ đồng so với cuối quý 1/2023 và 4.300 tỷ đồng so với đầu năm.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, CTCP Chứng khoán SSI (mã: SSI ) ghi nhận tổng tài sản đạt 49.496 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó giá trị các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ chiếm gần 26.231 tỷ đồng, giảm 4.000 tỷ đồng và cho vay 13.439 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng. Riêng cho vay margin đạt hơn 13.104 tỷ đồng, tăng thêm 2.153 tỷ đồng so với cuối quý 1/2023.
6 tháng đầu năm 2023, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) ghi nhận dư nợ cho vay margin là 5.157 tỷ đồng, tăng 47,6% so với mức 3.494 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Tương tự, Chứng khoán HSC (Mã: HCM) báo lãi quý 2 và 6 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ. Đáng nói, khoản cho vay cũng tăng 20% so với đầu năm lên 8.875 tỷ đồng (cả cho vay margin và ứng trước tiền bán chứng khoán). So với tại cuối quý 1/2023, chỉ tiêu này cao hơn 28%.
Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) công bố báo cáo tài chính riêng quý 2/2023 với kết quả chuyển lỗ cùng kỳ năm trước sang lãi trên trăm tỷ đồng nhờ giảm đáng kể các khoản chi phí.
Tổng tài sản tại cuối tháng 6 đạt 8.822 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm. Phần lớn (72%) tài sản của KIS nằm ở khoản cho vay ngắn hạn, chiếm 6.395 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm đầu năm. Đây là khoản cho vay hoạt động margin (6.203 tỷ đồng, tăng gần 31% so với đầu năm) và cho vay hoạt động ứng trước tiền bán của khách hàng.
Đặc biệt tại Chứng khoán Mirae Asset, thời điểm cuối quý 2/2023, cho vay margin đạt 13.502 tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng tài sản và tăng nhẹ 7% so với đầu năm.
Ngoài ra còn nhiều công ty chứng khoán khác như Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) dư nợ margin và ứng trước tiền bán tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt 9.309 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm cuối quý 1/2023.
Các chuyên gia đánh giá việc nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc sử dụng đòn bẩy đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường chứng khoán cải thiện trong thời gian qua, đặc biệt là tháng 6. Giá trị giao dịch nhiều phiên đã trở lại ngưỡng 1 tỉ USD.
Cú huých được đánh giá có tác động lớn đến dư nợ margin và thanh khoản thị trường là xu hướng giảm của lãi suất thời gian qua. Từ trung tuần tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (SBV) đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành liên riếp. Sau điều chỉnh của NHNN, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng “rục rịch” giảm.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đòn bẩy (margin) của nhà đầu tư tăng cao trong nửa đầu năm 2023 giúp lãi từ cho vay và phải thu của các công ty chứng khoán tăng mạnh. Vào cuối quý 2/2023, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27.000 tỷ so với cuối quý 1. Trong đó, dư nợ margin cũng tăng khoảng 24.000 tỷ sau một quý, ước đạt 142.000 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
So với thời điểm rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào cuối 4/2022, dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý 2 vừa qua đã tăng mạnh khoảng 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán lại gần như không được cải thiện.
Nhìn chung, nguồn thu lãi từ cho vay của đa phần các công ty chứng khoán đều đã tăng so với quý trước. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đều chưa thể bội thu như giai đoạn bùng nổ kéo dài từ cuối 2021 đến đầu 2022, thời điểm dư nợ margin toàn thị trường lên đến 200.000 tỷ.
Ngược lại với hoạt động cho vay ký quỹ, hoạt động môi giới tại các công ty chứng khoán trên đang suy giảm dần trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đơn cử như Chứng khoán MBS, trong 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu môi giới giảm gần 47% so với cùng kỳ, xuống còn 229 tỷ đồng. Tương tự, tại Chứng khoán SSI giảm 44%, ghi nhận gần 593 tỷ đồng.
Chứng khoán VNDIRECT cũng ghi nhận doanh thu hoạt động môi giới giảm tới 56% trong 6 tháng đầu năm, chỉ thu về 349 tỷ đồng. Chứng khoán HSC cũng chỉ thu về hơn 272 tỷ đồng, giảm gần 48% so với cùng kỳ.
Cùng hoàn cảnh, 6 tháng đầu năm nay, Chứng khoán Mirae Asset thu về hơn 240 tỷ đồng doanh thu môi giới, giảm gần 41% so với cùng kỳ. Tương tự, Chứng khoán KIS giảm 31% so với cùng kỳ, chỉ mang về 153 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, có hơn 412.000 tài khoản mở mới trong nửa đầu năm nay, giảm 78% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 34% so với năm 2021.
Báo cáo thị trường cổ phiếu tháng 6 của Dragon Capital cho biết, VN-Index tăng 4,1% trong tháng 6 giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất khu vực Châu Á. Kết quả trên phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất lần thứ 4 kể từ tháng 3.
Sự kỳ vọng về thị trường hồi phục được thể hiện rõ qua giá trị giao dịch trong tháng 6, đạt 843 triệu USD, tăng 36% so với tháng 5 và là tháng thanh khoản tốt nhất trong 14 tháng gần nhất. Tâm lý tích cực được hỗ trợ bởi việc Ủy ban chứng khoán Nhà nước nỗ lực đẩy nhanh tiến độ vận hành hệ thống giao dịch KRX. Với việc tâm lý thị trường bắt đầu cải thiện, giả thuyết của Dragon Capital trong báo cáo tháng 5 trước rằng các nhà đầu tư cá nhân có thể chuyển đổi từ các khoản tiền gửi lãi suất cao sang tìm kiếm cơ hội ở thị trường chứng khoán phần nào được hiện thực hóa.
Hà Phương