Dù trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của CTCP Fecon (Mã: FCN) giảm nhẹ, vay và nợ thuê tài chính cũng được kiểm soát tốt song chi phí lãi vay của FCN lại tăng vọt 61% so với cùng kỳ. Chuyển động ngược chiều của chi phí lãi vay và nợ vay
Dù trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của CTCP Fecon (Mã: FCN) giảm nhẹ, vay và nợ thuê tài chính cũng được kiểm soát tốt song chi phí lãi vay của FCN lại tăng vọt 61% so với cùng kỳ. Chuyển động ngược chiều của chi phí lãi vay và nợ vay
Kết thúc quý 1/2022, FCN ghi nhận doanh thu thuần gần 502 tỷ đồng, giảm gần 14% so với cùng kỳ 2021 do triển khai một số dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Trong quý, do giá vốn hàng bán chiếm tới 82% tổng doanh thu nên lãi gộp thu hẹp còn gần 88 tỷ đồng, giảm 13%.
Trong kỳ, chi phí lãi vay của FCN tăng vọt 61% lên gần 47 tỷ đồng do phát sinh từ đơn vị thành viên là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng khi dự án cùng tên này đi vào vận hành tháng 10/2021.
Hơn nữa, các khoản chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn nên đã ngốn hết lợi nhuận tại FCN.
Do đó, trong quý đầu năm 2022, FCN báo lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 lãi hơn 17 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí lãi vay tăng vọt trong khi nợ vay tại FCN lại giảm.
Cụ thể, tính đến 31/3/2022 tổng tài sản của Fecon tính đến cuối quý I/2022 giảm 300 tỷ về 7.135 tỷ đồng, chủ yếu giảm từ mục khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.433 tỷ đồng).
Tổng nợ vay của FCN gần 2.390 tỷ đồng cả ngắn hạn và dài hạn, giảm nhẹ 3% so với đầu năm, chiếm 57% tổng tài sản và 33% nợ phải trả. Với số nợ này khiến doanh nghiệp phải trả gần 47 tỷ đồng tiền lãi vay như đã nói phía trên.
Có thể thấy, dù trên bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của FCN giảm, vay và nợ thuê tài chính cũng được kiểm soát tốt nhưng chi phí lãi vay của doanh nghiệp này lại tăng.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay tăng do công ty điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.
Lãnh đạo cùng người nhà liên tục thoái vốn và kế hoạch lãi khủng năm 2022
Không đạt kỳ vọng giá ở lần đăng ký trước, FCN tiếp tục đăng ký bán ra cổ phiếu FCN.
Cụ thể, ông Trần Trọng Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ, cũng với mục đích và phương thức giao dịch như trên.
Trước đó, ông Thắng từng đăng ký bán lượng cổ phiếu nói trên, thời gian giao dịch dự kiến từ 24/2 đến 25/3/2022 nhưng chưa thực hiện được do "giá thị trường không đạt kỳ vọng".
Trong khoảng thời gian từ 13/1 đến 11/2/2022, ông Thắng đã bán thành công 30.000 cổ phiếu FCN để giảm sở hữu từ 661.461 cổ phiếu về 631.461 cổ phiếu, tương ứng 0,4% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hồng, bố đẻ Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Phạm Việt Khoa, đăng ký bán 26.500 cổ phiếu FCN trên tổng số 26.525 cổ phiếu đang nắm giữ. Phương thức giao dịch là khớp lệnh. Thời gian dự kiến giao dịch từ 31/3 đến 29/4/2022. Mục đích bán cổ phiếu của ông Hồng là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.
Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với thực hiện năm 2021. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất mà Fecon đạt được trong 10 năm trở lại đây.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu theo kế hoạch dự kiến đạt 1.643 đồng, tăng 208% so với năm 2021 và cổ tức 2022 không vượt quá 10%, dự kiến được chi trả là bằng tiền.
Doanh nghiệp cũng trình ĐHĐCĐ phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 3% bằng tiền. Với gần 157,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp sẽ phải chi hơn 47 tỷ đồng để chi trả cổ tức.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh do liên danh Công ty cổ phần FECON (đại diện là Công ty cổ phần đầu tư FECON) và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng trên diện tích quy hoạch 7,5 ha trên đất liền. Nhà máy có 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5 MW. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Tại Dự án này, FECON đồng thời đảm nhiệm vai trò tổng thầu trong nước các hạng mục xây dựng và hạ tầng, phụ trách toàn bộ móng tuốc bin, hạ tầng giao thông, trạm biến áp và hệ thống đường dây truyền tải điện 110 KV dài 18,9 km.
Được biết, đây là dự án đầu tư thứ hai của FECON trong mảng năng lượng tái tạo (sau Dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 - 50 MW), đánh dấu bước tiến mới của doanh nghiệp trong lĩnh vực này nói riêng và chiến lược “đi bằng hai chân: thi công và đầu tư” nói chung.
Theo Hà Phương/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/chi-phi-lai-vay-ngon-het-loi-nhuan-tai-fecon-d139968.html