Tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định thu hồi và xử phạt nhiều dự án bất động sản trên địa bàn theo Luật Đất đai. Trong đó có những dự án từng bị người dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định thu hồi và xử phạt nhiều dự án bất động sản trên địa bàn theo Luật Đất đai. Trong đó có những dự án từng bị người dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Thu hồi, xử phạt nhiều dự án sai phạm
UBND tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định thu hồi nhiều dự án bất động sản ở trên địa bàn.
Cụ thể, giai đoạn trước đã thu hồi 37 dự án với diện tích trên 1.000ha, giai đoạn 2016 - 2021 thu hồi 4 dự án. Hiện tại, Bình Dương còn 28 dự án chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích khoảng 353ha.
Ngoài ra, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra các dự án "treo" và xem xét cho gia hạn thêm 24 tháng.
Trong thời gian được gia hạn, doanh nghiệp phải đóng tiền sử dụng đất và nếu doanh nghiệp vẫn chưa có phương án sử dụng đất sẽ bị thu hồi, không được bồi thường theo Luật Đất đai.
Đối với các trường hợp sử dụng sai mục đích đất, giai đoạn 2016-2021, tỉnh này đã xử phạt và tham mưu xử phạt 57 trường hợp, với tổng số tiền phạt hơn 2,1 tỷ đồng.
Sai phạm chủ yếu như không sử dụng đất trong thời gian dài gây lãng phí tài nguyên và môi trường; không lập thủ tục về đất đai; không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; triển khai dự án trước khi được cơ quan nhà nước có quyết định giao, thuê đất…
Bên cạnh xử phạt, các cơ quan, đơn vị Nhà nước đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi trên địa bàn tỉnh.
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương cho biết trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương quyết tâm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Phòng PC03 đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Quá trình thực hiện các giải pháp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, Phòng PC03 đã đề xuất Giám đốc Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp nhận 206 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai, thụ lý 79 đơn.
Từ kết quả tiếp nhận, xử lý các tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực đất đai, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khởi tố 9 vụ án, 10 bị can, tài sản chiếm đoạt 814 tỷ đồng.
Hiện nay, các vụ án đang trong giai đoạn điều tra làm rõ. Phòng PC03 đã xây dựng kế hoạch tập trung điều tra vụ án theo tiến độ, sớm kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.
Một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản đã được triệt phá như:
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xây dựng đầu tư và phát triển địa ốc Bình Dương City Land, 335 bị hại, số tiền chiếm đoạt 137.091.850.000 đồng.
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát Bình Dương, 43 bị hại, số tiền chiếm đoạt 15.485.090.000 đồng.
Vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần thương mại tư vấn và đầu tư KingLand - Chi nhánh Bình Dương, 49 bị hại, số tiền chiếm đoạt 12.927.750.000 đồng.
Vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ địa ốc Phước Điền, 36 bị hại, số tiền chiếm đoạt 16.039.701.305 đồng.
Các thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương cho biết các thủ đoạn lừa đảo như: Các đối tượng làm giả các loại giấy tờ có liên quan để chuyển nhượng đất thuộc quyền sử dụng của người khác hoặc để thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt.
Triển khai các dự án chưa đủ điều kiện hoặc trái phép sau đó phân lô, quảng cáo để chuyển nhượng bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền của người mua. Bằng thủ đoạn này các đối tượng đã lợi dụng các sơ hở trong chính sách, pháp luật, quản lý của các cơ quan Nhà nước để đầu tư kinh doanh bất động sản bằng cách mua gom đất nông nghiệp sau đó tự ý phân lô, bán nền, lập các khu dân cư trái phép hoặc xin phép thành lập các dự án khu dân cư nhưng triển khai dự án không đúng với giấy phép được duyệt sau đó quảng cáo để huy động vốn, chuyển nhượng đất nền trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Để chiếm đoạt được nhiều tiền hơn, đối tượng phạm tội còn sử dụng thủ đoạn chuyển nhượng cho nhiều người với cùng một căn nhà hoặc một thửa đất.
Đối tượng làm giả hồ sơ, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước để chứng minh tính hợp pháp của dự án để chuyển nhượng nhà, đất bất hợp pháp sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Lợi dụng nhu cầu vay vốn, các đối tượng đặt vấn đề vay giúp với điều kiện phải đưa giấy CNQSDĐ và ký các giấy ủy quyền thế chấp nhà để bảo lãnh cho các đối tượng vay vốn. Sau khi rút được tiền của ngân hàng, chúng không đưa tiền lại cho họ và cũng không trả lại giấy CNQSDĐ, sau khi đến hạn thanh toán ngân hàng, họ mới biết là mình bị lừa.
Thuê pháp nhân lập dự án, tự lập bản vẽ thiết kế 1/500, phối cảnh bắt mắt trên một mảnh đất chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt, sau đó vẽ sơ đồ chia lô đất thành các suất nhà liền kề và khuếch trương, thông qua các sàn giao dịch bất động sản để chào bán với dạng hợp đồng góp vốn, công trình phúc lợi cộng đồng với giá rẻ, thu tiền, rồi chiếm đoạt của khách hàng.
Các đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như: Thành lập các công ty, thuê địa điểm đặt văn phòng giao dịch ở nơi dân cư đông, phát triển đô thị tốt để thực hiện quảng cáo, rao bán đất nền với giá thấp hơn giá thị trường, sau khi nhận được số tiền cọc, các lần thanh toán tiếp theo thì chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt bằng cách thay đổi số điện thoại hoặc đóng cửa, ngưng hoạt động tại các văn phòng giao dịch.
Các đối tượng hoặc doanh nghiệp thu gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng cây lâu năm ở các địa bàn “sốt” đất, không thực hiện các thủ tục pháp lý làm chủ đầu tư dự án theo quy định, mà tự lập “dự án” rồi phân lô, tách thửa, tự ý xây dựng cơ sở hạ tầng (dự án ma) hay các đối tượng thực hiện phân lô, tách thửa đất không phải là đất ở, không được quy hoạch là đất ở.
Sau đó sử dụng pháp nhân công ty do các đối tượng thành lập hoặc ký hợp đồng với các công ty môi giới bất động sản quảng cáo sai sự thật, chào bán dưới nhiều hình thức…
Trường hợp sau khi bán, khách hàng đòi bàn giao đất, giấy CNQSDĐ thì cố tình kéo dài thời gian, thỏa thuận chi trả một phần tiền phạt chậm bàn giao hoặc ký phụ lục hợp đồng cam kết nhằm tiếp tục tạo lòng tin…
Theo Quang Hải/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/binh-duong-thu-hoi-xu-phat-nhung-du-an-lam-kho-nguoi-dan-d146739.html