Trước thực trạng hàng trăm dự án có sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai (với tổng diện tích đất được giao hơn 5.000 ha), UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát, phân loại, quyết liệt xử lý tồn tại này. Thế nhưng đến nay, vẫn còn hàng loạt dự án “ôm đất” hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Loạt dự án “ôm đất” chậm triển khai
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại trên địa bàn Hà Nội có nhiều dự án quy mô lớn nằm tại những khu “đất vàng” được chấp thuận chủ trương đầu tư cả thập kỷ, nhưng đến nay các dự án này vẫn đang chậm triển khai, bỏ hoang lãng phí, có thể kể đến như: Dự án "Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I".
Đây là dự án được giới thiệu có vị trí vàng, là trung tâm của 6 quận nội thành Thủ đô với hạ tầng đồng bộ hiện đại, quy tụ các tiện ích nội và ngoại khu đẳng cấp như công viên rộng hơn 140ha, hồ điều hòa và hệ thống cây xanh, trường học, khu vui chơi, trung tâm thương mại…
Thế nhưng, hiện nay dự án này vẫn còn nhiều ô đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Mặc dù vừa qua chính quyền đã giải phóng mặt bằng một số ô đất, song đa số các ô đất trong dự án này vẫn còn các hộ quây tôn, dựng nhà cấp 4 để cho thuê sai mục đích như: sửa xe, gara ô tô, buôn bán sắt vụn, bãi xe, phế thải… tạo nên một khu hỗn độn, nhếch nhác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, lãng phí đất đai.
Về dự án, theo tìm hiểu, ngày 20/07/2006, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 119/2006/QĐ-UBND về việc Phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I, tỷ lệ 1/500.
Địa điểm thực hiện dự án tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân), phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), Hà Nội, với diện tích 49,89ha, tổng dân số khoảng 9.110 người. Chủ đầu tư dự án: Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD.
Sau đó, KĐT Tây Nam Kim Giang I này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 11/01/2008; Quyết định số 3791/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 và Quyết định số 1535/QĐ-UBND ngày 31/3/2016.
Đáng chú ý, Quyết định số 3791/QĐ-UBND có nhiều thay đổi lớn, điều chỉnh ô đất HH01 với chức năng sử dụng đất từ đất Công cộng Thành phố (ký hiệu: CCTP) sang đất công trình Hỗn hợp: thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng (ký hiệu: HH01), nâng tầng cao 3 tòa nhà, trong đó tòa nhà giữa gồm 02 khối đế, nâng tầng cao từ 15 tầng và 21 tầng lên 25 tầng và 31 tầng. Hai tòa nhà còn lại nâng tầng cao từ 12 tầng và 15 tầng lên 17 tầng và 21 tầng; Phần đế công trình nâng từ 3 tầng lên 5 tầng.
Cùng với đó, điều chỉnh chức năng sử dụng đất ô đất HH02 từ đất công cộng khu vực (ký hiệu: CCKV) sang đất hỗn hợp; thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở (ký hiệu: HH02) điều chỉnh ranh giới ô đất nhưng vẫn giữ nguyên diện tích đất; Số tầng tòa nhà gồm 02 khối cao tầng và 01 khối đế, nâng tầng cao từ 12 tầng và 18 tầng lên 25 tầng và 31 tầng. Hai tòa nhà còn lại nâng tầng cao từ 12 tầng và 15 tầng lên 17 tầng và 21 tầng…
Ngày 22/12/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký ban hành Quyết định số 8843/QĐ-UBND về phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các ô đất HH1, HH2, CT2, CT3 và CT6A, thuộc Khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang I.
Liên quan đến dự án này, trao đổi với PetroTimes, ông Nguyễn Văn Lăng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I có tổng diện tích hơn 60ha được triển khai từ năm 2007 nhưng khu vực này hiện tại mới chỉ có một vài chung cư được xây dựng, trước đó một số ô đất đã làm hạ tầng để triển khai xây dựng khu nhà ở thấp tầng nhưng không hiểu vì sao đến nay dự án vẫn chưa triển khai.
“Hiện dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I đang nằm trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên không biết đến bao giờ mới triển khai đồng bộ được”, ông Lăng cho biết thêm.
Chưa biết, việc dự án sau gần 20 năm vẫn còn dang dở là vướng mắc về chính sách hay năng lực chủ đầu tư. Tuy nhiên, mục đích nhân văn ban đầu của dự án được UBND thành phố Hà Nội thông qua đã không được đảm bảo. Đáng buồn hơn khi không ít người dân đã nhường công cụ sản xuất (đất đai) của mình để nhà đầu tư thực hiện dự án mang lại lợi ích cho địa phương nhưng lại trở thành khu hoang hóa nhếch nhác.
Tại quận Cầu Giấy cũng có nhiều dự án chậm triển khai, trong số đó phải kể đến 2 dự án nằm ở vị trí đắc địa như: dự án Nhà ở, dịch vụ thương mại (trước là văn phòng lưu trú) tại lô đất B3-KT và C3-KT Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu của Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Gia Bách. Tiến độ được duyệt của dự án là từ quý III/2017 - quý IV/2019.
Dự án Cải tạo, xây dựng nhà A&B Nghĩa Đô do liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Thủ đô II, Công ty CP Nhật Quân Anh và Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã được UBND TP chấp thuận đầu tư, điều chỉnh chấp thuận đầu tư dự án với mức đầu tư gần 996 tỷ đồng. Theo tiến độ được duyệt từ quý IV/2017 - III/2019, hiện dự án đang thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các hộ dân và hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án.
Những dự án, công trình, tổ hợp hiện đại, từng được kỳ vọng tạo dấu ấn trong kiến trúc đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô… thế nhưng sau nhiều năm triển khai, nhiều dự án đang trở thành “điểm tối đô thị”. Đơn cử như Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình; Dự án Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai); Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai…
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Trấn Sông Hồng (Sông Hồng City) với diện tích 60.000m2, phê duyệt đầu tư năm 1995; Dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc (dự án IDC), phê duyệt đầu tư năm 1999. Hơn 20 năm nay, 2 dự án lớn này từng được kỳ vọng là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị, làm thay đổi diện mạo khu vực quận Tây Hồ, nhưng nay lại trở thành dự án “treo” hơn hai thập kỷ.
Đối với Dự án chung cư 28 tầng Sky Garden Towers (phường Định Công, quận Hoàng Mai), dự án này được khởi công từ năm 2012, nhưng sau hơn 10 năm, đến nay chỉ là khối bê tông, sắt thép khổng lồ phơi mưa, phơi nắng. Nguyên nhân được xác định là do năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế.
Bên cạnh đó, dự án còn có những sai phạm trong quá trình triển khai. Hàng trăm khách hàng đã lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” khi ký hợp đồng tham gia góp vốn, đóng tiền mua nhà, nhưng nhiều năm nay, chủ đầu tư vẫn làm ngơ để dự án hoang hóa, nhếch nhác, ảnh hưởng đến quang cảnh cũng như đời sống của người dân sống quanh dự án này.
Về dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định thu hồi trên 35ha đất thuộc các phường Thịnh Liệt, Hoàng Văn Thụ, Tương Mai, quận Hoàng Mai giao Tổng công ty xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) tổ chức điều tra, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Nhưng đến nay, Khu đô thị chủ yếu vẫn nằm trên giấy, hoang hóa, rác rưởi và không ít diện tích sử dụng sai mục đích.
Ngoài ra trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều dự án khác cũng đang chậm triển khai, như: Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội); dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), được xây dựng trên khu đất diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ hoàn thiện phần thô; Dự án tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc (quận Hà Đông) được xây trên diện tích đất gần 4.600m2; Dự án chung cư cao cấp Golden Millenium Tower, tọa lạc trên phố Trần Phú, Hà Đông với tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, mặc dù khách hàng đã nộp tiền mua nhà hàng chục năm chủ đầu tư vẫn không cam kết phương án giải quyết.
Bên cạnh những dự án đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thi công phần thô hoặc một số hạ tầng kỹ thuật, sau đó nằm “đắp chiếu” thì cũng còn hàng trăm dự án “ôm đất" đến gần 20 năm nhưng cũng không triển khai, chủ yếu nằm ở các địa bàn huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì... Trong đó, huyện Mê Linh có số lượng nhiều nhất, tổng số gần 50 dự án với gần 2.400ha đất nằm “đắp chiếu”, người dân không có đất canh tác, nhà nước không thu được tiền sử dụng đất, gây lãng phí nghiêm trọng.
Mặc dù tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm nay nhưng trên thực tế việc xử lý những dự án chậm triển khai, bỏ hoang không phải là vấn đề đơn giản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong quá trình rà soát, UBND quận, huyện báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án. Đồng thời, chưa nghiêm túc trong công tác giám sát đầu tư, thiếu chế tài xử phạt chủ đầu tư không hợp tác. Ngoài ra, do thay đổi chính sách đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng... Để chấm dứt hoạt động của dự án cũng cần phải đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi.
“Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Thực trạng này xảy ra một phần do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm). Bên cạnh đó, thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là do buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi" - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhìn nhận.
Những dự án nêu trên chỉ là loạt dự án trong số hàng trăm dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Hà Nội. Thực trạng này đã để lại rất nhiều hệ luỵ về mặt kinh tế - xã hội. Chính quyền thành phố cũng nhiều lần thể hiện sự quyết tâm xử lý tồn tại này, nhưng đến nay kết quả vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Hà Nội sẽ xử lý thế nào?
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 27/6/2023, trong tổng số 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai (trong đó, có 135 dự án vốn ngoài ngân sách chưa có quyết định giao đất cho thuê đất, 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý), đến nay, thành phố đã xử lý được 419 dự án.
Đối với 293 dự án còn lại cần tiếp tục xử lý, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thực hiện 137 dự án; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 81 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện 11 dự án; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thực hiện 17 dự án; 46 dự án giao các ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã..
Thực hiện chỉ đạo sát sao của Thành ủy Hà Nội và sự giám sát chặt chẽ của HĐND thành phố, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.
Theo đó, UBND thành phố sẽ chủ trì cùng các sở ngành tổ chức rà soát, làm việc với từng UBND quận, huyện, thị xã để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai và phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xử lý xong trong năm 2023.
Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã xem xét, chỉ đạo đối với 64 dự án tại huyện Mê Linh, 11 dự án tại huyện Quốc Oai, 28 dự án tại huyện Thạch Thất, 50 dự án tại quận Cầu Giấy và 62 dự án tại quận Nam Từ Liêm.
Trong buổi làm việc với một số quận, huyện mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn; kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ kéo dài.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thống kê, phân loại các dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra, rà soát. Trước mắt tập trung kiểm tra, xử lý các dự án lớn chậm triển khai và phân cấp, phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị.
Cần Thơ phê duyệt đầu tư dự án Aeon Mall trị giá 5.400 tỷ đồng; Tập đoàn QuickPack đầu tư 30 triệu EUR vào KCN của Đồng Tâm Group ở Long An; Nhu cầu tìm mua bất động sản tại Việt Nam tăng mạnh... là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì) tăng 75% so với quý I/2022.
Lạng Sơn chấp thuận T&T Group nghiên cứu triển khai 2 dự án khu đô thị sinh thái; Bắc Giang quy định về điều kiện tách khu đất công thành dự án độc lập; Lào Cai tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai nhà ở xã hội… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Cổng TTĐT huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) vừa cập nhật kết quả phiên đấu giá20 thửa đất (Khu LK3, LK4) tại khu đất đấu giá ĐG31/2019 thôn Yên Quán, xã Tân Phú diễn ra vào ngày 16/11.
Dự án chung cư cũ tái khởi động, giá dự kiến tăng gấp 2-3 lần; Phú Quốc chuyển hơn 57 ha đất rừng thực hiện dự án khu du lịch sinh thái; Cưỡng chế bàn giao phí bảo trì chung cư Saigon Gateway; Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư...
Đây là thông tin được Batdongsan.com.vn đưa ra tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2024 và tiêu điểm Đà Nẵng" ngày 13/11, tại Hà Nội, nhằm phân tích các xu hướng và cơ hội tiềm năng.
Kiểm kê việc quản lý, sử dụng đất sân golf, sân bay ở Cần Thơ; Người dân trung tâm TP HCM hiến hàng nghìn m2 đất vàng; “Năm 2025, giá bất động sản sẽ bắt đầu nhảy theo Luật”… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Quảng Nam xử lý dự án hơn 39 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm; Bắc Giang có thêm dự án khu đô thị mới Chũ Central Park; Cần Thơ chấn chỉnh việc mua bán nhà ở xã hội; Bình Định rà soát các dự án Condotel, gỡ vướng cấp "sổ đỏ"… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.