Dù có quy mô tổng tài sản rất lớn, gần đạt 3.000 tỷ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền tại công ty bất động sản này chỉ còn hơn 6 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022.
Dù có quy mô tổng tài sản rất lớn, gần đạt 3.000 tỷ đồng nhưng tiền và các khoản tương đương tiền tại công ty bất động sản này chỉ còn hơn 6 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bcons (Tập đoàn Bcons) đã có bước chuyển mình ngoạn mục từ ngành kiến trúc sang bất động sản và đã gặt hái được nhiều thành công. 2022 là một trong những năm rực rỡ nhất khi Bcons ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận cùng đột phá.
Năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Bcons đạt đến 2.240 tỷ đồng, tăng 482 tỷ đồng, tương đương 27,4% so với năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng 127 tỷ đồng, tương đương 48,5% lên 389 tỷ đồng.
Có thể thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng mạnh gấp rưỡi so với doanh thu. Nguyên nhân là do doanh thu hoạt động tài chính bứt phá. Chỉ tiêu này tăng đến 81,6 tỷ đồng, tương đương 131% lên 147 tỷ đồng.
Trong doanh thu hoạt động tài chính, có 77 tỷ đồng (tăng so với 52 tỷ đồng) cổ tức lợi nhuận được chia và 69,5 tỷ đồng (tăng so với 10,1 tỷ) lãi tiền gửi.
Thế nhưng, hồi cuối năm 2022, công ty chỉ có hơn 4,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn.
Với lợi nhuận tăng trưởng tốt hàng năm, Bcons đã tích lũy được nguồn vốn khổng lồ. Với vốn góp chủ sở hữu 900 tỷ đồng, công ty đã đạt quy mô tài sản gần 3.000 tỷ đồng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu tài sản của Bcons lên tới 2.880 tỷ đồng, tăng 1.213 tỷ đồng, tương đương 72,8% so với năm 2021. Trong đó, nợ có tốc độ tăng mạnh hơn vốn.
Trong năm, công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 578 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu tăng 524 tỷ đồng, tương đương 60,4% lên 1.391 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 690 tỷ đồng, tương đương 86,4% so với năm 2021.
Trong khi tổng tài sản tăng mạnh, gần đạt quy mô 3.000 tỷ đồng thì tiền mặt của công ty lại thụt lùi và là con số vô cùng khiêm tốn.
Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền của Bcons chỉ là 6 tỷ đồng, giảm 600 triệu đồng, tương đương 9,1% so với cuối năm 2021. Trong đó, khoảng 1,5 tỷ đồng là tiền trong quỹ, còn 4,5 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng.
Cần phải chú ý trong năm 2022, tổng tài sản của Bcons tăng rất mạnh nhưng công ty lại âm nặng dòng tiền đầu tư, từ đó khiến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ là con số âm.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Bcons là âm 1.124 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 401 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.
Trong đó, nguyên nhân chính là việc công ty dành tới 1.661 tỷ đồng chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Con số này quá lớn nên 591 tỷ đồng tiền thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác không đủ bù đắp.
Chính vì vậy, dù lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là dương 535 tỷ đồng và 588 tỷ đồng thì tính chung, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Bcons là âm 519 triệu đồng dù cuối năm trước là dương 68,9 tỷ đồng.
PV