Nhiều ĐBQH cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, việc tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn sẽ tránh tình trạng đối tượng “cò” tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.
Nhiều ĐBQH cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, việc tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn sẽ tránh tình trạng đối tượng “cò” tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.
Tại Điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.
Nêu ý kiến về điều khoản này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, quy định như vậy còn chưa thống nhất với quy định tại Điểm c, khoản 1 và Điểm a, khoản 2, Điều 17a Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10 ngày 03/4/2023 của Chính phủ quy định về điều kiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất.
Đó là tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều này.
Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định về mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật đất đai.
Nêu ý kiến về Luật đấu giá tài sản, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.
“Tuy nhiên, nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá. Do vậy, theo tôi cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng”, đại biểu Hiếu nêu quan điểm.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Phát biểu ý kiến đóng góp xây dựng Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đồng tình với việc tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20% như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.
Đại biểu Nga cho rằng, để hoạt động đấu giá tài sản đạt hiệu quả tốt nhất, việc tăng số tiền đặt cọc lên con số lớn sẽ tránh tình trạng đối tượng “cò” tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.
“Tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu là 20% bởi vì con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”, đại biểu Nga nêu rõ.
Xuân Hưng