Năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt trình kế hoạch lợi nhuận đi ngang, chia cổ tức cao kỷ lục 30,26%. Đáng chú ý, kế hoạch tăng vốn cho đơn vị thành viên chưa đạt nửa kế hoạch.
Năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt trình kế hoạch lợi nhuận đi ngang, chia cổ tức cao kỷ lục 30,26%. Đáng chú ý, kế hoạch tăng vốn cho đơn vị thành viên chưa đạt nửa kế hoạch.
Tập đoàn Bảo Việt lên kế hoạch lợi nhuận đi ngang, kế hoạch tăng vốn cho đơn vị thành viên kém hiệu quả
Tập đoàn Bảo Việt (mã:BVH) vừa cập nhật tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 29/6 tới.
Theo kế hoạch đề ra, Tập đoàn Bảo Việt trình kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ là 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.050 tỷ đồng, chỉ tăng lần lượt 2,7% và 1,8% so với mức thực hiện năm 2021. Tỷ suất LNST/vốn điều lệ (7.423,2 tỷ đồng) ước tính 14,1%.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ Bảo Việt cũng chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn 1 chữ số. Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.490 tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 2%, đạt 1.031 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận, Tập đoàn Bảo Việt trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 30,261%. Đây là mức cổ tức kỷ lục, tương đương mức chi trả 2.246 tỷ đồng.
Bảo Việt đã quyết định chia hết phần lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối, bao gồm 684,8 tỷ đồng lợi nhuận còn lại năm 2021 và 1.561,6 tỷ đồng luỹ kế đến năm 2020. Bộ Tài chính - cổ đông lớn nhất sở hữu 67,98% vốn sẽ nhận xấp xỉ 1.527 tỷ đồng. Sumitomo Life sau đợt góp vốn thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ hồi năm 2019 cũng sẽ nhận được 20% lượng cổ tức trên trong lần chi trả “khủng” này.
Tại báo cáo của HĐQT, ban lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt cho biết tình hình sử dụng vốn huy động từ đợt phát hành riêng lẻ từ ngày 18/12/2019 đến ngày 31/5/2022 hiện mới thực hiện được 1.960 tỷ đồng trong số hơn 4.011 tỷ đồng huy động được.
Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt thực hiện tăng vốn cho công ty thành viên 1.850 tỷ đồng, số tiền chưa thực hiện tăng vốn là 1.950 tỷ đồng. Tập đoàn đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin 110 tỷ đồng, số tiền còn lại chưa thực hiện là 89,6 tỷ đồng.
Tổng số tiền còn lại chưa sử dụng sẽ được Bảo Việt thực hiện đầu tư tiền gửi để gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Loạt dự án bất động sản tại Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang
Cha ông ta đã nói "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề" có vẻ đang đúng với mô hình kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt. Từ chỗ là tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bảo hiểm thì nay lấn sân sang cả ngành ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản. Điều đáng nói là, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn này cho đến nay đều có kết quả không mấy khả quan.
Đáng chú ý, ngay sau khi Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua có quy định không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản, dư luận đã hướng đến những dự án đắp chiếu nhiều năm giữa đất vàng Hà Nội của "ông lớn" ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt.
Hiện tại, Tập đoàn Bảo Việt đang “sở hữu” loạt dự án bỏ hoang, đắp chiếu nhiều năm nay.
Cụ thể, Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27, thuộc quận Cầu Giấy (khu đô thị mới Cầu Giấy) được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch ban đầu, Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013. Tuy nhiên đã hơn 1 thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa được thực hiện.
Dự án thứ hai là Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ làm chủ đầu tư nằm trên khu đất "vàng" 220 Trần Duy Hưng, có diện tích quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m.
Ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ-UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm Nhân Thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ.
Hiện khu đất được quây tôn kín mít, cây cỏ mọc um tùm hoang tàn bên trong.
Dự án thứ ba là Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có chủ đầu tư là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt - Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Tổng mức đầu tư: 300 tỷ đồng. Quy mô xây dựng: 32.973m2.
Trước đó, vào năm 2019, dự án này đã từng bị UBND TP Hà Nội tiến hành thanh tra và ban hành Kết luận thanh tra số 727/KL-STNMT-TTr ngày 8/4/2019. Ngoài ra, dự án này cũng từng được gia hạn 24 tháng tại Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 9/7/2019 và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định nghĩa vụ tài chính.
Theo Hà Phương (T/h)PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/kinh-doanh-da-nganh-tap-doan-bao-viet-len-ke-hoach-kinh-doanh-khiem-ton-657798.html