Vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bị đề xuất thực hiện thủ tục chấm dứt dự án Khu đô thị Thanh Lâm-Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Mê Linh-Đại Thịnh.
Vừa qua, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) bị đề xuất thực hiện thủ tục chấm dứt dự án Khu đô thị Thanh Lâm-Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Mê Linh-Đại Thịnh.
HUD “ôm” hàng ngàn ha đất rồi bỏ hoang cả chục năm
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) không phải cái tên xa lạ trên thị trường bất động sản. Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của HUD cùng các công ty thành viên nhận được sự chú ý khi nhóm này rót vốn cho loạt dự án lớn nhỏ trải dài từ bắc chí nam, nổi bật có KĐT mới Đông Tăng Long, HUD Tower 37 Lê Văn Lương, KĐT sinh thái Chánh Mỹ...
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thống nhất với các phương án xử lý đối với các dự án "ôm" đất, chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vào ngày 13-3-2023.
Theo đó, 64 dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh được chia làm 2 nhóm để xử lý.
Đối với nhóm 1, gồm 15 dự án, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu Sở TN-MT, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND huyện Mê Linh khẩn trương thực hiện chấm dứt, dừng, tạm dừng dự án, rà soát về quy hoạch. Từ đó đề xuất phương án sử dụng đất theo quy định, báo cáo kết quả trước ngày 30/4/2023.
Đáng chú ý, có 2 dự án của HUD cũng bị đề xuất thực hiện thủ tục chấm dứt là dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và dự án Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh. 2 dự án này rộng gần 200 ha, việc dự án không được triển khai, chủ đầu tư "ôm" đất rồi bỏ hoang gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm nay.
Theo giới thiệu, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản. Thành lập từ năm 1989, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển.
Tính đến nay, HUD đã và đang triển khai 25 khu đô thị mới tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, cung cấp hơn 8 triệu m2 sàn nhà ở, đáp ứng nhu cầu của hàng chục vạn hộ gia đình, trong đó có nhiều người dân có thu nhập trung bình và thấp, các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở với tổng diện tích sàn nhà ở xã hội hoàn thành hơn 250.000m2.
HUD đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với khối cơ quan Tổng công ty, 11 Ban quản lý dự án, 2 chi nhánh và 14 đơn vị thành viên hạch toán độc lập, 2 công ty liên kết và 2 công ty liên doanh với tổng số hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, người lao động, trong đó hơn một nửa có trình độ đại học và trên đại học.
HUD đang kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022, HUD mang về gần 3.667 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2022, tăng nhẹ 7% so với năm 2021. Trong đó, chiếm chủ yếu là doanh thu kinh doanh bất động sản hơn 2.500 tỷ đồng; ngoài ra có hơn 370 tỷ đồng doanh thu xây lắp, doanh thu bán hàng hơn 373 tỷ đồng và doanh thu cung cấp dịch vụ hơn 300 tỷ đồng và doanh thu hoạt động khác hơn 91 tỷ đồng.
Trong năm 2023, các chi phí của HUD đều có sự gia tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 36% so với năm trước, lên hơn 156 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tới 151,4 tỷ đồng, tăng 36%. Chi phí bán hàng cũng tăng 12% lên hơn 141 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 47% lên hơn 541 tỷ đồng.
Kết quả, HUD lãi sau thuế cả năm hơn 210 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2021.
Tình hình tài chính tại HUD ghi nhận nhiều biến động lớn trong năm 2022.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản tại HUD giảm nhẹ so với đầu năm, ghi nhận gần 12.880 tỷ đồng. Chiếm hơn một nửa tổng tài sản là hàng tồn kho (gần 7.371 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước).
Tài sản dở dang dài hạn của HUD chiếm hơn 1.396 tỷ đồng, phần lớn là chi phí dở dang tại dự án toà nhà văn phòng HUDTower - 37 Lê Văn Lương. Tại ngày 31/12/2022, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng bao gồm Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Tòa nhà HUDTOWER Lê Văn Lương được thế chấp để đảm bảo cho khoản vay dài hạn tại ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Nội.
Nợ phải trả của HUD tính đến cuối năm 2022 ghi nhận hơn 9.213 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản và cao gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay tài chính tại HUD tăng 24% so với đầu năm, lên mức hơn 3.512 tỷ đồng, chiếm tới 38% nợ phải trả.
Chủ nợ lớn nhất tại HUD tính đến cuối năm 2022 là ngân hàng BIDV. BIDV cho HUD vay ngắn hạn gần 326 tỷ đồng và cho vay dài hạn hơn 1.667 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tại HUD âm hơn 925 tỷ đồng (năm 2021 dương hơn 167 tỷ đồng); lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 106 tỷ đồng (năm 2021 dương hơn 82 tỷ đồng) và chỉ có lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 393 tỷ đồng (năm 2021 âm gần 472 tỷ đồng). Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 639 tỷ đồng trong khi năm 2021 chỉ âm hơn 221 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2022, tính đến 31/12/2022, HUD có 14 công ty con, 2 công ty liên doanh liên kết.
Hà Phương - Huy Tùng