6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần FECON (HOSE: FCN) ghi nhận lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm rất lớn dẫn tới Fecon phải tăng cường vay nợ. Theo đó, chi phí lãi vay tăng 146% so với cùng kỳ 2020.
6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần FECON (HOSE: FCN) ghi nhận lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm rất lớn dẫn tới Fecon phải tăng cường vay nợ. Theo đó, chi phí lãi vay tăng 146% so với cùng kỳ 2020.
Lợi nhuận tiền tỷ, dòng tiền kinh doanh tại Fecon lại âm
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 tại Fecon cho thấy, riêng quý 2/2021 lãi ròng đạt hơn 34 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp là 17,6%, tuy giảm nhẹ so với 18% của quý 1 nhưng cao hơn so với mức 14% của cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Fecon thu được gần 1.341 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng, xây lắp và cung cấp dịch vụ, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 239 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận thuần ghi nhận hơn 68 tỷ đồng, tăng 32% và lãi sau thuế tại Fecon đạt gần 50,4 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lãnh đạo Fecon, tương tự như quý 1, kết quả kinh doanh tích cực là sự đóng góp của các dự án điện gió mà Công ty đang triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP (tổng thầu xây dựng và hạ tầng), đặc biệt là các dự án có tiến độ thi công tốt như: Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình (tổng giá trị trúng thầu 1,180 tỷ đồng), Điện gió Thái Hoà (tổng giá trị 276 tỷ đồng), Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (tổng giá trị 440 tỷ đồng),…
Đáng lưu ý, dù lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng qua nhưng dòng tiền kinh doanh tại Fecon lại đang ở trạng thái âm hơn 399,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 99 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm hơn 644 tỷ đồng, cùng kỳ 2020 chỉ âm hơn 75,6 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 33,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương 7,3 tỷ đồng.
Một trong những lý do khiến dòng tiền kinh doanh tại Fecon âm lớn là giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 30/6/2021 đạt hơn 1.773 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm, chiếm tới 23% tổng tài sản. Hàng tồn kho chủ yếu đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh dang dở tăng vọt 184% lên gần 1.659 tỷ đồng. Ngoài ra, do tiền chi từ hoạt động kinh doanh tăng mạnh.
Đáng chú ý, chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng tăng gấp 19 lần so với cùng kỳ, đạt gần 888 tỷ đồng.
Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận luôn là một trong những ưu tiên đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Dòng tiền kinh doanh âm luôn là chỉ báo xấu đối với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp mới thành lập, đang trong quá trình mở rộng, phải nhập thêm hàng hóa, tăng tồn kho, tăng phải thu, phải trả…, thì tình trạng dòng tiền âm là bình thường, công ty có thể sử dụng vốn vay hoặc huy động từ cổ đông để bổ sung lượng thiếu hụt.
Nhưng về dài hạn, dòng tiền hoạt động kinh doanh phải dương để bù đắp cho các hoạt động đầu tư, trả nợ vay và cổ tức cho cổ đông, nếu không thì doanh nghiệp có thể sẽ chìm vào gánh nặng nợ nần, thiếu trước hụt sau,...
Tại Fecon, trong giai đoạn 2014 -2020, dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư luôn trong trạng thái âm. Đáng báo động, mức âm dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 hiện đang cao nhất kể từ trước tới nay. Phần nào phản ánh doanh nghiệp chỉ ghi nhận lợi nhuận trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về.
Nợ vay tại Fecon vượt vốn chủ sở hữu, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm 4% tổng tài sản
Tại thời điểm 30/6/2021, nợ phải trả tại Fecon chiếm tỷ lệ khá cao, tăng vọt 124% so với đầu năm, lên gần 5.308 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản, lớn gấp 2,38 lần vốn chủ sở hữu (hơn 2.230 tỷ đồng) Trong đó, riêng nợ ngắn hạn phải trả có giá trị lên tới hơn 4.378 tỷ đồng, nợ dài hạn phải trả cũng tăng vọt 244% lên hơn 929 tỷ đồng.
Giai đoạn 2015 -2020, Fecon luôn duy trì tỷ số nợ trên tổng tài sản ở mức trên 50%. Điều này cho thấy, Fecon đang sử dụng đòn bẩy nợ khá cao, phần lớn tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ bởi nợ.
Dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư bị âm liên tục dẫn tới Fecon phải tăng cường vay nợ. Do đó, vay và nợ thuê tài chính của Fecon tại thời điểm ngày 30/6/2021 đều tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh 138% lên gần 1.683 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng tăng vọt 246% lên hơn 922 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ vay tại Fecon tính đến 30/6/2021 tăng 63% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.605 tỷ đồng, chiếm tới 49% nợ phải trả và đã vượt qua vốn chủ sở hữu của Fecon.
Nợ vay tại Fecon tăng dẫn tới chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh 146% so với cùng kỳ 2020, lên hơn 64 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay tại Fecon tăng, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ tăng 48%, lên hơn 68 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, Fecon chỉ có gần 325 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, còn hơn 36,7 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Hai khoản này cộng vào khoảng 362 tỷ đồng, chỉ có thể giải quyết được một phần rất nhỏ khoản nợ ngắn hạn phải trả và nợ vay tài chính ngắn hạn.
Vì vậy, thời gian tới, Fecon sẽ phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh thu hồi công nợ để lấy tiền xử lý các khoản nợ ngắn hạn.
Với quy mô tổng tài sản hơn 7.840 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 2.230 tỷ đồng, các dấu hiệu trên thực sự đáng báo động đối với Fecon. Nếu không xử lý kịp thời dòng tiền, sức khỏe tài chính, khả năng Fecon sẽ sớm phát sinh các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Theo Hà Phương - Huy Tùng/ kinhtexaydung.petrotimes.vn
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/doanh-thu-nghin-ty-trong-6-thang-dau-nam-thuc-luc-cua-fecon-fcn-ra-sao-621860.html