Mất điện, không có wifi, chi phí bảo dưỡng duy trì tốn kém… là nguyên nhân khiến không ít người buộc phải rao bán lại farmstay sau khoảng thời gian trải nghiệm “bỏ phố về rừng”.
Mất điện, không có wifi, chi phí bảo dưỡng duy trì tốn kém… là nguyên nhân khiến không ít người buộc phải rao bán lại farmstay sau khoảng thời gian trải nghiệm “bỏ phố về rừng”.
Năm 2019, chị N.T.T theo trào lưu "bỏ phố về rừng"như những người bạn đồng nghiệp khác. Tự nhận mình là người đam mê "xê dịch", thích cân bằng cuộc sống bằng tháng ngày sống hòa mình vào thiên nhiên, chị T. đã quyết mua mảnh đất hơn 1500m2 ở Ba Vì (Hà Nội).
Ban đầu, chị đơn thuần nghĩ, có farmstay đẹp mông mơ, hướng ra nhìn cảnh mây bay, núi đồi trùng điệp, đối với chị thế là đủ. Như vậy, cuối tuần nào chị cũng có thể trải nghiệm nghỉ dưỡng ở nơi phong cảnh trữ tình mà chẳng cần phải lách cách xách vali ra sân bay.
Hơn 2 năm qua, chị rót vào farmstay đến gần 2 tỷ đồng. Chị chăm chút từng góc vườn trồng hoa hồng, sắp xếp từng bậc gạch như thế nào để biến farmstay thực sự là một resort thu nhỏ. Nhưng chỉ thời gian ban đầu, vợ chồng chị và 2 đứa con còn háo hức.
Khoảng thời gian sau, nhất là năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, trải nghiệm trong farmstay tới cả tháng, gia đình chị mới cảm thấy bất tiện.
"Những đứa trẻ đòi về thành phố ở vì ở farmstay tẻ nhạt. Sáng đi tắm bể bơi, chiều ra ngắm hoa nhưng ti vi chập chờn không có mạng. Ở lâu trong farmstay, có hôm lại mất điện, hoặc điện yếu khiến điều hòa không bật được. Mà khổ nhất khoảng thời gian làm việc tại nhà, mạng chập chờn.
Muốn bật 4G lên nhưng lại mất sóng điện thoại. Mọi nhịp sống sinh hoạt bị đảo lộn liên tục", chị T. kể. Cũng vì bất tiện mà gia đình chị T. buộc phải rao bán farmstay vào hồi đầu năm 2021.
Cũng bị "vỡ mộng" vì farmstay , chị M.L sau 2 tháng chưa dám một lần trở về farmstay mà chị đã đầu tư tới 3 tỷ đồng. 1 năm trước, thấy dịch bệnh, nhìn xung quanh bạn bè, đồng nghiệp ai cũng xây căn nhà nhỏ giữa rừng núi, chị mạnh dạn rút tiền tiết kiệm mua 1000m2 đất trên Hòa Bình. Sau đó, chị chi đến tiền tỷ để xây nhà và trang trí lại farmstay.
Từ lúc hoàn thiện đến giờ được hơn 7 tháng. Thời gian đầu, chị thường xuyên cuối tuần lại về đó nghỉ dưỡng. Thi thoảng, chị cũng mời bạn bè tới tụ tập và hát hò. Thế nhưng, mọi chuyện bắt đầu khi một lần, cả nhà chị đang nghỉ dưỡng thì chồng chị buộc phải về Hà Nội gấp vì công việc đột xuất.
"Đêm hôm đấy, tôi và con trai phải ngủ lại một mình. Ban đầu hai mẹ con không sợ. Nhưng đến đêm, nghe tiếng ken két ở ngoài hiên, thú thực, tôi sợ không ngủ được cả đêm. Đợt sau về sang hàng xóm chơi, nghe các bác ngồi kể chuyện nguồn gốc mảnh đất nhà tôi với mấy chuyện thần bí, tôi sợ hết hồn.
Chẳng hiểu sao vì sợ, từ đợt đó, tôi chẳng dám về farmstay nữa. Chỉ cần nghĩ tới cả đêm không ngủ rồi tưởng tượng thêm vài chuyện là tôi sợ. Chắc mỗi lần về chơi phải đông người, tôi mới dám về", chị M.L kể.
Trào lưu bỏ phố về rừng bùng nổ trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt khi dịch bệnh xuất hiện, làn sóng này ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Thế nhưng, bức tranh hiện thực lại không phải dễ dàng để thích nghi sớm và lâu dài với cuộc sống ở rừng, nhất là đối với những người đang sống quen trong môi trường thành thị. Bởi lẽ, sự khác biệt lớn về môi trường cũng như suy nghĩ giản đơn về cuộc sống màu hồng khi bỏ phố về rừng mà nhiều người như chị N.T.T, chị M.L "tan mộng" vì farmstay.
Theo các chuyên gia, bỏ phố về rừng chỉ là trào lưu nhất thời của rất nhiều người trẻ. Khi thấy người khác về rừng mua đất làm farmstay, họ cũng suy nghĩ đơn giản nghĩ tới cuộc sống an nhàn. Nhưng để đầu tư nơi xứng với nghỉ dưỡng thực sự, chi phí không hề đơn giản nhất là những khu vực xa trung tâm.
Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững, biến việc về quê thành một xu hướng chọn việc làm của một thế hệ, khi Việt Nam có đến hơn 65% dân số ở khu vực nông thôn.
Thêm nữa, cuộc sống ở khu vực vùng núi thường thiếu thốn như không có điện hay sóng điện thoại, điều này khiến cuộc sống nghỉ dưỡng hóa thành trải nghiệm tồi tệ. Chủ nhân của farmstay háo hức ban đầu nhưng sau đó rơi vào cảm giác chán nản, muốn bán để nhẹ nợ.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, tư duy phát triển của nhiều người Việt là tư duy đám đông, thấy thị trường bùng lên thì cũng nhảy vào cho nó bùng tiếp. Nhưng sau đó, khi thị trường bùng quá sức thì buộc phải giảm. Và khi thị trường suy giảm, mọi người lại thi nhau nhảy ra hết. Theo Tầm nhìn
Theo Nam Anh/ Kinh tế tập đoàn
>>> Nhà giầu mua đất vùng ven gặp khó vì “giãn cách xã hội”: Ngôi nhà ngoại ô bộc lộ nhiều bất cập
Link nguồn: http://kinhtetapdoan.vn/vo-mong-vi-trao-luu-bo-pho-ve-rung-d10986.html#