Hà Nội đề xuất bán 600 biệt thự cũ; Đồng Nai sẽ thu hồi gần 5.360ha đất của các dự án chậm tiến độ; Giá căn hộ tại Hà Nội tiếp tục tăng... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Hà Nội đề xuất bán 600 biệt thự cũ; Đồng Nai sẽ thu hồi gần 5.360ha đất của các dự án chậm tiến độ; Giá căn hộ tại Hà Nội tiếp tục tăng... là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Hà Nội đề xuất bán 600 biệt thự cũ
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định ban hành Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Sau khi rà soát, danh mục 1.216 biệt thự được phân loại về sở hữu, quản lý như sau: 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước (trong đó, 177 biệt thự nhóm 1; 131 biệt thự nhóm 2; 59 biệt thự nhóm 3); 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp (giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau); 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Thành phố cũng đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954.
Theo đó, để tạo lập nguồn vốn thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác, thành phố tiếp tục bán 600 biệt thự cũ thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang, hiện do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định.
Ngoài ra, rà soát trong danh mục 207 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự để xác định chủ thể quản lý của các cơ quan, tổ chức Trung ương và thành phố đang quản lý, sử dụng hoặc thuê làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, để xử lý như sau: Xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê từ 10 đến 15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần đối với 34 biệt thự chuyên dùng do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang quản lý một phần hoặc toàn bộ biệt thự.
Nghiên cứu điều chỉnh Danh mục biệt thự không được bán tại Đề án quản lý biệt thự, rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước do thành phố quản lý, hiện đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân, để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức, sau đó, tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê từ 10 đến 15 năm theo giá thị trường, trả tiền 1 lần…
Hà Nội cũng sẽ ban hành công bố quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, thiết kế mẫu nhà cổ, biệt thự cũ và cơ chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác có giá trị trong khu vực nội đô lịch sử, các quận nội thành để mọi tổ chức, cá nhân được biết và tham gia phản biện, thực hiện.
Giá căn hộ tại Hà Nội tiếp tục tăng
Theo báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2022 của CBRE, giá bán căn hộ chung cư trung cấp trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội trung bình ở mức 1.655 USD/m2 (chưa bao gồm VAT, phí bảo trì), tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà trung bình đạt 1.278 USD/m2, tăng 9% so với cùng kỳ 2021, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.
Trong khi đó, phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng mạnh, ở ngưỡng 16% do sự nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị. Đáng chú ý, dòng sản phẩm chung cư cao cấp cũng ghi nhận tăng từ 3 - 5%, tỷ lệ hấp thụ tương đối cao, lũy kế đạt khoảng 80%.
Thời gian qua, những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm giảm thu nhập của người dân nhưng giá nhà vẫn tăng là do nguồn cung bị giảm sút mạnh. Chỉ tính riêng thị trường Hà Nội, nguồn cung trong quý I/2022 giảm gần 40% so với quý IV/2021.
Dự báo trong 2 năm tới, nguồn cung căn hộ tại thị trường Hà Nội sẽ có thêm khoảng 54.000 sản phẩm, tập trung chủ yếu tại Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì… Đối với đô thị lớn như Hà Nội nguồn cung sản phẩm như vậy được đánh giá thấp hơn nhu cầu khá nhiều.
Đồng Nai sẽ thu hồi gần 5.360ha đất của các dự án chậm tiến độ
Theo HĐND tỉnh Đồng Nai, trong năm 2022, các địa phương trong tỉnh phải tiến hành thu hồi đất cho khoảng 475 dự án trên các lĩnh vực, trong đó có dự án cấp quốc gia, tỉnh, huyện, xã, ấp. Diện tích cần phải thu hồi cho các dự án trên là gần 5.360ha.
Theo đó, các địa phương có nhiều diện tích đất phải thu hồi là: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Những dự án phải thu hồi nhiều đất là Khu đô thị dịch vụ Amata 753ha, Cụm công nghiệp Phước Bình 75ha (H.Long Thành); Hồ Cà Ròn và hệ thống kênh thủy lợi (H.Định Quán) khoảng 174ha; Khu đô thị du lịch sinh thái Long Thành 771ha, Khu nhà biệt thự và khu tái định cư núi Dòng Dài 155ha, Đường dây điện 220V Sông Mây - Tam Phước 54ha (TP.Biên Hòa); Khu dân cư Phú Hữu (H.Nhơn Trạch) 201ha…
Các dự án có diện tích đất thu hồi lớn hầu hết là chuyển tiếp từ những năm trước qua. Trong đó, khoảng 90% dự án đã có chủ đầu tư, còn lại là những dự án chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trước đó, vào cuối tháng 1/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã "điểm mặt" hàng loạt dự án còn "đắp chiếu" ở huyện Nhơn Trạch như: Dự án lập quy hoạch chi tiết khu dân cư tại xã Phước An; khu thương mại dịch vụ tại xã Phước Thiền; khu dân cư tại xã Phú Hội; khu dân cư thương mại tại xã Long Tân và xã Phú Hội; khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên do CTCP DIC - Đồng Tiến làm chủ đầu tư; khu chợ và dân cư Dân Xuân tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.
Theo quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ, thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất…
Kim Anh (T/h)/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-184-ha-noi-de-xuat-ban-600-biet-thu-cu-648265.html