Chủ tịch ngân hàng Techcombank – ông Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng gần như không có nợ xấu cho vay bất động sản trong 5 năm qua. Techcombank gần như không có nợ xấu cho vay bất động sản
Chủ tịch ngân hàng Techcombank – ông Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng gần như không có nợ xấu cho vay bất động sản trong 5 năm qua. Techcombank gần như không có nợ xấu cho vay bất động sản
Tại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết, trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận được kết quả kinh doanh khả quan. Tổng tài sản tăng 29,4%; tổng dư nợ tín dụng tăng 22,1%, huy động tăng 14,6%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế tăng 47,1% đạt 23.238 tỷ đồng.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 446.500 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Đáng chú ý, tại Đại hội một cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra ngày 22/4 vừa qua, Chủ tịch ngân hàng Techcombank – ông Hồ Hùng Anh cũng cho biết, trong những năm qua Techcombank đã kiểm soát và làm tốt trong lĩnh vực cho vay bất động sản.
Theo ông Hùng Anh, ngân hàng chỉ cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất là đầu cơ không mang lại giá trị. Không chỉ vậy, các dự án BĐS tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị,… mang theo nhiều giá trị cho người dân, cho xã hội.
Mô hình kinh doanh của Techcombank được tích hợp hệ thống quản trị rủi ro toàn bộ cho chuỗi cung ứng, các báo cáo của ngân hàng được kiểm toán đầy đủ, thanh tra NHNN vào làm việc và đều không phát hiện ra sai phạm nào tại ngân hàng.
"TCB không có vấn đề nào với các khoản vay bất động sản 5 năm qua, tỷ lệ nợ xấu gần như bằng 0 trong thời gian qua đó là lý do chúng tôi tin tưởng vào việc cung ứng vốn cho vay bất động sản" – chủ tịch Hồ Hùng Anh nói.
Tệp khách hàng khủng, khối bất động sản thế chấp tại Techcombank hơn 522.000 tỷ đồng
Techcombank luôn là ngân hàng duy trì tỷ lệ cho vay kinh doanh bất động sản và liên quan bất động sản cao nhất thị trường khi tệp khách hàng của nhà băng này cũng chủ yếu là nhóm “đại gia” bất động sản như Vingroup, Masterise Group, Sungroup…
Lãnh đạo Techcombank từng khắng định, tất cả khách hàng mà Techcombank lựa chọn đều là khách hàng lớn có uy tín hàng đầu trên thị trường, có sản phẩm có sức hấp dẫn nhất thị trường. Danh mục cho vay bất động sản dù chiếm tỷ trọng lớn, song mức dư nợ của ngân hàng xét trên con số tuyệt đối so với nhiều tổ chức tín dụng khác cũng không phải quá cao.
Tính đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đạt gần 128.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 69% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng.
Song dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank có thể lên tới 74% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà. Tính đến 31/12/2021, cho vay mua nhà của ngân hàng (chiếm 78% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 126.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ của ngân hàng.
Thực tế, tính đến cuối năm 2021, giá trị tài sản thế chấp tại Techcombank ghi nhận hơn 813.520 tỷ đồng, tăng 36% so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng bất động sản thế chấp tại Techcombank ghi nhận hơn 522.747 tỷ đồng, tăng 27% và chiếm tới 64% tổng tài sản thế chấp. Tốc độ tăng này còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Techcombank trong năm 2021 (25%).
Qua đó, kéo tỷ lệ tài sản thế chấp bất động sản/dự nợ cho vay tăng từ mức 138% lên 150%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 1,50 đồng.
Báo cáo tài chính năm 2021 cũng cho thấy, chất lượng nợ vay của Techcombank tại thời điểm cuối năm 2021 lại đi lùi so với đầu năm khi tổng nợ xấu tăng đến 77%, chiếm đến 2.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất gấp đôi so với đầu năm ; nợ nghi ngờ tăng 61% và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 63%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%.
Nợ xấu tại Techcombank (đặc biệt là nợ mất vốn) bất ngờ tăng mạnh trong năm 2021 rất có thể do khách hàng của Techcombank bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Trong đó, khách hàng cá nhân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Đáng nói, lãnh đạo Techcombank đã khẳng định gần như không có nợ xấu cho vay bất động sản trong 5 năm qua. Vậy nợ xấu ghi nhận thời gian qua tại Techcombank không đến từ cho vay bất động sản mà chủ yếu đến từ các lĩnh vực khác.
Theo báo cáo của Chứng khoán rồng Việt (VDSC), Techcombank sở hữu danh mục cho vay liên quan đến bất động sản lớn với tổng dư nợ cho vay mua nhà và doanh nghiệp chuỗi nhà ở (ReCoM) duy trì quanh mức 73% kể từ cuối quý 1/2020 khi dịch vừa bùng phát. Trong đó, nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp đang tốt hơn nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà, chủ yếu là vay mua đầu tư.
Sở dĩ Techcombank khẳng định tỷ lệ nợ xấu liên quan đến bất động sản thấp là do đối với khách hàng doanh nghiệp, Techcombank chỉ tập trung cho vay giai đoạn xây dựng và bán hàng, thay vì giai đoạn đất nền như trước. Do đó, hệ số rủi ro bình quân theo Basel II đối với danh mục cho vay bất động sản (bao gồm kinh doanh BĐS và vay mua nhà) duy trì quanh mức 95-100%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay mua nhà cũng được duy trì ổn định dưới 1% kể từ 2018.
Mới đây, Techcombank đã thông báo tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản cho đến hết quý 1/2022. Động thái này của Techcombank nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Các ngân hàng đang cấp bao nhiêu vốn cho bất động sản?
Bên cạnh Techcombank, VIB cũng là một trong những ngân hàng tư nhân đẩy mạnh cho vay bất động sản trong năm 2021. Dư nợ cho vay lĩnh vực này của ngân hàng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.
Hai mảng kinh doanh chính của VIB là cho vay bất động sản và mua ô tô. Với 87% tỷ trọng là cho vay bán lẻ, các khoản cho vay bất động sản tại VIB tập trung chủ yếu vào cho vay cá nhân mua nhà.
Thực tế, tổng nợ xấu tại VIB tính đến cuối năm 2021 tăng 58% so với đầu năm, chiếm hơn 4.670 tỷ đồng trong tổng nợ vay. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ nhóm 5 sang nhóm 3 và 4. Cụ thể, nợ nhóm 5 giảm 17% xuống còn 1.319 tỷ đồng trong khi đó nợ nhóm 3 tăng 209% lên 1.747 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 101% lên gần 1.604 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại VIB tăng từ 1,74% lên 2,32%.
Báo cáo tài chính năm 2021 cũng cho thấy, giá trị tài sản thế chấp của khách hàng tăng 14% so với cuối năm 2020, ghi nhận hơn 478.478 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản thế chấp tăng 23% ghi nhận hơn 290.000 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản cầm cố tại nhà băng này. Tốc độ tăng trưởng bất động sản thế chấp còn cao hơn cả mức tăng trưởng tín dụng (19%).
Tương tự tại MBBank, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2021 ghi nhận 12.632 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.
Tính đến cuối năm 2021, giá trị tài sản thế chấp tăng 33% lên hơn 1,35 triệu tỷ đồng. Trong đó, lượng bất động sản thế chấp tại MBBank tăng 25% lên hơn 424.065 tỷ đồng, chiếm 31% tổng tài sản thế chấp. Tốc độ tăng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng của MBBank (22%). Qua đó, kéo tỷ lệ tài sản thế chấp/dự nợ cho vay từ mức 341% lên mức 372%, tương ứng cứ mỗi đồng cho vay được đảm bảo bởi 3,72 đồng tài sản, riêng bất động sản là 1,17 đồng.
Theo Hoàng Long/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/bat-dong-san-the-chap-hon-522000-ty-dong-techcombank-khang-dinh-gan-nhu-khong-co-no-xau-cho-vay-bat-dong-san-d138904.html