Lợi nhuận 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn. Lời nói của tỷ phú Trần Đình Long dần được minh chứng rõ ràng hơn.
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn. Lời nói của tỷ phú Trần Đình Long dần được minh chứng rõ ràng hơn.
Bức tranh kinh doanh quý 3/2022 của các doanh nghiệp thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn. Đúng như những gì tỷ phú Trần Đình Long - chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát dự báo trong cuộc họp với cổ đông hồi tháng 5/2022.
Ông chia sẻ: "Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm".
Cụ thể, CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Theo đó, trong quý 3/2022, doanh thu thuần giảm 15% xuống còn 2,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ tới 25 tỷ đồng (cùng kỳ 2021 lãi gần 10 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu tại TIS xấp xỉ cùng kỳ còn 9,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tuy không lỗ nhưng lại giảm mạnh tới 93%, xuống còn vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ, báo cáo tài chính quý 3/2022 của CTCP Thép Vicasa - VNSteel (Mã: VCA) cho thấy doanh thu thuần của công ty giảm gần 18% xuống 477 tỷ đồng.
Trong kỳ, công ty kinh doanh với dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ. Trừ đi các chi phí, Thép Vicasa lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng quý III, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 2 tỷ đồng. Đây là quý lỗ nặng nhất của công ty kể từ khi niêm yết (năm 2010).
Doanh nghiệp cho biết, ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukraine, chính sách Zero COVID-19 của Trung Quốc, lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng đến ngành thép và xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, chính sách siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.
So với quý 3/2021, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Thép Vicasa rất ít, giá giảm mạnh, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng do hàng hóa luân chuyển chậm, lãi suất vay tăng đã tác động đến kết quả quý III/2022 của công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Thép Vicasa đạt 1.834 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 42 tỷ. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối quý 3/2022 là 9 tỷ đồng.
Năm nay, Thép Vicasa đặt mục tiêu có lãi trước thuế 20,7 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng công ty còn cách xa kế hoạch có lãi cả năm.
Doanh nghiệp thép tiếp theo cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ là trường hợp tại CTCP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (TDS).
Cụ thể, quý 3/2022, doanh thu thuần đạt gần 412 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do công ty kinh doanh dưới giá vốn (427 tỷ đồng) nên lỗ gộp gần 21 tỷ đồng, trong khi quý 3/2021 có lãi 5 tỷ.
Quý vừa rồi, Thép Thủ Đức chịu chi phí lãi vay gấp 4 lần cùng kỳ lên 2,2 tỷ. Trong khi đó, công ty ghi nhận khoản lợi nhuận khác từ tiền thuê đất năm 2020-2021 được giảm và thu nhập khác hơn 6 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3/2022, công ty lỗ sau thuế gần 22 tỷ đồng, gấp 34 lần số lỗ 643 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thua lỗ nhiều nhất của công ty kể từ khi cổ phần hoá (năm 2008).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của Thép Thủ Đức đạt 1.528 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lỗ 15,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 46 tỷ đồng. So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm là 24,3 tỷ đồng, công ty còn cách xa mục tiêu này.
Nguyên nhân giá thép giảm chủ yếu do nhu cầu mặt hàng này suy yếu trên toàn cầu. Việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid và hệ quả quá trình kiểm soát bất động sản kéo theo giá giao dịch các sản phẩm thép giảm.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thép xây dựng liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Việc dòng vốn cho thị trường này bị kiểm soát, khiến nhu cầu thép đi xuống, từ đó kéo giá mặt hàng này đi lùi.
Thông thường, tiêu thụ thép trong giai đoạn từ tháng 7 - 9 khá trầm lắng do thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III.
Mới đây, Thép Pomina (Mã: POM) đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và đồng thời phải cắt giảm một số nhân sự để đảm bảo tình hình khi doanh. Lý do buộc phải dừng hoạt động lò cao là bởi ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu tăng cao. Đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.
Hoàng Long (t/h)