Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa thông qua nghị quyết về việc vay vốn công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Hội đồng quản trị Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa thông qua nghị quyết về việc vay vốn công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Theo đó, khoản vay tín chấp có hạn mức là 150 tỷ đồng với thời hạn tối đa là 2 năm và có thể được tất toán trước hạn, đúng thời hạn hoặc gia hạn bằng văn bản. Mục đích vay vốn được Kinh Bắc đưa ra là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 3 trong tháng 12 KBC thực hiện vay vốn tín chấp từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.
Cụ thể, vào ngày 5/12 và 14/12, HĐQT Kinh Bắc cũng thông qua việc vay vốn công ty con từ chính công ty này để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hình thức tín chấp.
Hạn mức vay là 350 tỷ đồng, có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay là hai năm, có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của KBC, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang được ghi nhận là công ty con của Kinh Bắc, với tỷ lệ sở hữu 88,06% và tỷ lệ biểu quyết là 92,5%. Doanh nghiệp có địa chỉ tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam.
Cuối tháng 11, Hội đồng quản trị (HĐQT) Kinh Bắc cũng thông qua việc vay tín chấp 110 tỷ đồng từ một công ty con khác là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập với kỳ hạn một năm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy một tháng, Kinh Bắc đã huy động tổng cộng 610 tỷ đồng từ các công ty con để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Động thái này được KBC thực hiện trong bối cảnh Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường đang cận kề.
Ngày 28/12 tới đây, ĐHĐCĐ của Kinh Bắc sẽ được HĐQT công ty tổ chức nhằm trình cổ đông thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ, với tổng lượng cổ phiếu đăng ký mua là 100 triệu đơn vị tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số tiền chi tối đa là 3.400 tỷ đồng.
Đồng thời, HĐQT Kinh Bắc cũng muốn xin ý kiến cổ đông về việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 10/2/2022.
Kinh Bắc cho biết diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 bị sụt giảm mạnh, hầu hết các cổ phiếu bị giảm giá nghiêm trọng trong đó có KBC, không thuận lợi cho việc phát hành riêng cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Do đó, HĐQT chưa triển khai phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2022 như Nghị quyết mà ĐHĐCĐ đã phê duyệt.
Minh Nguyệt